Tăng kinh phí, tạo hành lang pháp lý
Chính trị - Ngày đăng : 06:32, 08/11/2011
Trước đó, Ủy viên Uỷ ban Thường vụ (UBTV) QH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của QH Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo của UBTVQH giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các KKT, LN. Đây là vấn đề được ĐB, cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm, bởi ô nhiễm môi trường đang ngày càng đến gần mức "báo động đỏ"...
Sản xuất từ các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Linh Ngọc
Những chỉ số đáng lo ngại
Qua báo cáo giám sát cũng như ý kiến của các ĐB, vấn đề ô nhiễm môi trường tại các KKT và LN khá nghiêm trọng. Tại 15 KKT ven biển được khảo sát, một số KKT đã có dấu hiệu ô nhiễm môi trường nước mặt, chủ yếu là ô nhiễm các chất hữu cơ cao hơn quy chuẩn cho phép từ 1 - 2 lần, ô nhiễm dầu mỡ cao hơn quy chuẩn từ 4 - 6 lần. Nhiều cơ sở công nghiệp trong các KKT chưa thực hiện nghiêm các cam kết về bảo vệ môi trường (BVMT), nhất là cam kết về xả thải nước. Môi trường không khí, môi trường đất, tiếng ồn, bức xạ cũng như chất thải nguy hại đều có nơi quá mức cho phép.
Tại các LN, hạ tầng BVMT còn tồi tệ hơn do chưa được đầu tư đúng mức, dẫn đến nhiều nơi ô nhiễm nặng. Qua khảo sát các LN, Đoàn giám sát của QH chỉ rõ, chất lượng môi trường nước, nước thải, chất lượng không khí đều bị đe dọa. Thu nhập có tăng nhưng sức khỏe người lao động giảm sút trông thấy. Tỷ lệ người dân mắc các bệnh về thần kinh, hô hấp, tiêu hóa, ung thư... ngày càng cao. Ở một số LN có mức ô nhiễm cao, tuổi thọ trung bình của người dân thấp hơn đến 10 năm so với tuổi thọ trung bình toàn quốc và thấp hơn 5 - 10 năm so với làng không làm nghề.
Các ĐB thẳng thắn chỉ rõ, dù nước ta có nhiều văn bản pháp lý về BVMT nhưng hiệu lực còn thấp, thực hiện không nghiêm. ĐB Nguyễn Minh Lâm (Long An), Nguyễn Ngọc Bào (Vĩnh Phúc) cho rằng, nhiều nơi không thực hiện đúng quy định pháp luật về BVMT nhưng không bị xử lý, hoặc xử lý không nghiêm, dẫn đến việc nhiều nhà đầu tư trốn tránh trách nhiệm, có vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng. ĐB Ly Kiều Vân (Quảng Trị) nêu con số một năm có hơn 1.100 vụ vi phạm về môi trường nhưng cơ quan chức năng chỉ xử lý hình sự được 153 vụ. Trong khi đó, để thực thi pháp luật về BVMT, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang), Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho biết, hiện có 95% cán bộ môi trường cấp huyện không có chuyên môn. Cán bộ cấp xã còn thiếu và yếu hơn nữa, không thể đáp ứng vai trò quản lý nhà nước về BVMT. ĐB Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng) nêu thực trạng là nhận thức xã hội về BVMT cũng còn quá thấp, coi BVMT là công tác của Nhà nước, dẫn đến biểu hiện thờ ơ, chấp nhận...
Cần bổ sung luật, thêm kinh phí và tăng cường giám sát
Từ thực trạng đáng lo trên, đa số các ĐB đều đề nghị cần hoàn thiện gấp khung pháp lý hoạt động của các KKT, LN về lĩnh vực môi trường, sớm sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BVMT năm 2005, trong đó có những quy định cụ thể về KKT và LN. ĐB Lê Phước Thanh (Quảng Nam) đề nghị cần thể chế hóa và thực thi nghiêm minh vấn đề điều kiện môi trường đối với các dự án, các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư. Để xử lý nghiêm vi phạm thì Luật Xử lý vi phạm hành chính (QH đang nghiên cứu) cũng cần được bổ sung theo hướng có chế tài xử lý hành vi vi phạm pháp luật BVMT đủ mạnh và khả thi. Đối với thiệt hại do vi phạm môi trường gây ra, các ĐB đồng tình với quan điểm cần có quy định pháp luật chi tiết thủ tục, hồ sơ đòi bồi thường thiệt hại, cũng như quy trình, thủ tục, hồ sơ xử lý hình sự các tội phạm môi trường...
Về kinh phí cho sự nghiệp môi trường, hiện Nhà nước đang cho phép chi 1% ngân sách nhà nước (NSNN). Với mức kinh phí này, nhiều địa phương chi chưa đúng đối tượng, dẫn đến thực trạng là môi trường thì ô nhiễm mà kinh phí không giải ngân hết, chi không đúng nguyên tắc. Trong khi đó, các ĐB đánh giá mức kinh phí này còn quá ít, cần tiếp tục tăng, có thể bằng nhiều chính sách để đa dạng hóa nguồn đầu tư. Trước mắt, ĐB Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng) đề nghị tăng lên mức 2% NSNN. Đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) đề nghị hỗ trợ về thuế cho LN để đầu tư vào xử lý môi trường. Ở các LN, ĐB Nguyễn Ngọc Bào (Vĩnh Phúc) cho rằng người dân và các cơ sở sản xuất nhỏ cần được hỗ trợ để có thể tiếp cận với công nghệ sản xuất sạch, nâng cao năng lực quản lý môi trường, qua đó tạo nên sản phẩm chất lượng cao, thương hiệu mạnh. ĐB Trịnh Thế Khiết (TP Hà Nội) đề nghị trong quy hoạch LN, cần có giải pháp đưa các khu sản xuất ra khỏi khu dân cư.
Các ĐBQH đều kiến nghị cần tiếp tục đưa vấn đề môi trường vào Chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011-2015. Bên cạnh đó, phải có sự phân công rõ ràng đầu mối quản lý và tổ chức thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát giữa các bộ, các cơ quan liên quan, cụ thể là giao Bộ Tài Nguyên - Môi trường làm "nhạc trưởng" cho lĩnh vực này. Về phía cơ quan giám sát tối cao là QH, các ĐB đề nghị ngay tại kỳ họp này, QH cần tiếp tục ra nghị quyết về giám sát "việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường các KKT, LN".
* ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình): Ở LN, người dân chưa hiểu rõ mức độ nguy hiểm ô nhiễm môi trường do mình gây ra; các hộ đều tận dụng diện tích đất ở làm cơ sở sản xuất với quy mô nhỏ, tự phát, phân tán nằm xen kẽ trong khu dân cư, công nghệ sản xuất thủ công, lạc hậu. Công tác quản lý, BVMT còn chưa được quan tâm đúng mức, hệ thống pháp luật BVMT còn nhiều bất cập. Hầu hết các xã không có cán bộ chuyên môn về môi trường, chỉ làm kiêm nhiệm. Nguồn lực tài chính đầu tư cho môi trường còn hạn chế, thậm chí không có. |