Lũ chưa lớn, đã nhiều sự cố bất thường
Xã hội - Ngày đăng : 07:10, 07/11/2011
Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Ích Sâm (thôn Tổ, xã Liên Hồng, Đan Phượng) kể lại, sau trận mưa nhỏ cuối tháng 8-2011, hàng trăm mét khối đất và cây trồng của người dân thôn ông dọc bờ sông hữu Hồng bỗng nhiên trôi tuột xuống lòng sông. Ngôi nhà ông đang ở bị nứt ngang dọc, mối nguy Hà Bá nuốt chửng đã cận kề. Mỗi khi dự báo có mưa lớn, các thành viên trong gia đình phải nghỉ học, nghỉ làm, chỉ chờ dọn đồ chạy sạt lở. Trong khi chờ Nhà nước xử lý sự cố, gia đình ông Sâm nhờ anh em họ hàng, làng xóm đóng hàng nghìn cọc tre, đổ hơn 20 xe đất đá, xỉ than giữ chân nhưng không ăn thua, bờ sông Hồng vẫn lún, sụt. Ông Cao Tiến Hách, Trưởng thôn Tổ lo lắng: "Suốt 40 năm qua, chưa bao giờ thấy cảnh sạt lở bờ hữu sông Hồng nghiêm trọng đến thế". Lúc đầu xuất hiện những vết nứt nhỏ, rồi hàng trăm mét khối đất trôi tuột xuống sông trong nỗi lo sợ của 254 hộ dân sống dọc tuyến đê.
Trên đê tả Đáy, diễn biến sạt lở cũng phức tạp, đang xảy ra 5 sự cố sạt lở, nứt mái đê, mặt đê đặc biệt nguy hiểm ở xã Viên Nội, Đồng Tiến, Ứng Hòa. Tại xã Đồng Tiến, cung sạt trên đê vẫn phát triển, dài hơn 50m, rộng từ 2m đến 7,5m. Ông Trần Đức, thôn Đoàn Xá, xã Đồng Tiến cho biết: Người dân lo lắng, không hiểu vì sao mà sạt lở nặng thế, trong khi không có mưa lũ. Tại xã đảo Minh Châu, Ba Vì, diễn biến sạt lở khá phức tạp, có 3 vị trí tương ứng K22+250 đến K22+800, K22+800 đến K23+300 và K24+300 đến K24+600 đê hữu Hồng đang bị dòng chủ lưu ép sát gây xói lở.
Ngoài các điểm sạt lở trên, trên hệ thống đê sông Đuống có 2 điểm sạt lở tại Kè Xuân Canh (huyện Đông Anh), khu vực bờ sông thị trấn Yên Viên (Gia Lâm); nứt mặt bê tông Vân Cốc (Phúc Thọ); 2 điểm trên sông Cà Lồ ở xã Kim Lũ (Sóc Sơn) và xã Thụy Lâm (Đông Anh). Đối với hệ thống đê chống lũ thường xuyên có 2 địa điểm đặc biệt quan tâm là vị trí sạt lở tại xã đảo Minh Châu (Ba Vì) và Liên Hồng (Đan Phượng).
Theo ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội, mùa lũ năm nay nước cạn bất thường, hầu như không có báo động lũ trên các hệ thống sông. Đây là mùa mưa bão nhưng nhiều khu vực mực nước rất thấp so với trung bình nhiều năm. Chính điều này gây nên hiện tượng chênh lệch áp lực, nước thẩm thấu ngược từ trong đồng ra sông là một trong những nguyên nhân dẫn đến sạt lở bất thường. Ngoài ra là hiện tượng hút cát ở các dòng sông, xe quá trọng tải chạy trên mặt đê phá hại đê, băm nát mặt đê mà không có biện pháp nào ngăn chặn.
Hiện nay, Sở NN&PTNT yêu cầu các đơn vị quản lý đê điều phải tăng cường kiểm tra, theo dõi, phát hiện kịp thời sự cố, phối hợp với chính quyền địa phương xử lý các trường hợp vi phạm Luật Đê điều. Các quận, huyện quyết liệt hơn trong việc xử lý vi phạm, kể cả tồn tại cũ và mới phát sinh.