Khủng hoảng hạt nhân tại Iran: Gia tăng áp lực
Thế giới - Ngày đăng : 06:23, 06/11/2011
Ngày 4-11, một sĩ quan quân đội cấp cao giấu tên của Mỹ khẳng định, Iran đã vượt qua cả mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, trở thành mối đe dọa lớn nhất với Washington ở Trung Đông. Trước đó, ngày 3-11, bên lề Hội nghị G20, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng đã thống nhất về "sự cần thiết duy trì một áp lực quốc tế chưa từng có nhằm buộc Iran phải tuân thủ các cam kết". Trong khi đó, quân đội Israel vừa bắt đầu cuộc diễn tập phòng thủ dân sự lớn tại thủ đô Tel Aviv nhằm ứng phó với các vụ tấn công bằng tên lửa khi có những đồn đoán Israel có thể tấn công phủ đầu Iran. Còn tờ Người Bảo vệ (Anh) tiết lộ, sau Israel, Bộ Quốc phòng Anh đang chuẩn bị những phương án can thiệp quân sự để cùng Mỹ tấn công Iran...
Học sinh Iran với dòng chữ Ba Tư phản đối cuộc chiến nhằm vào quốc gia Hồi giáo này. |
Thực tế đang diễn ra khiến cuộc khủng hoảng hạt nhân ở quốc gia Hồi giáo này thêm sâu sắc. Niềm tin giữa Iran và một số quốc gia Âu, Mỹ đang ngày một vơi cạn. Cho dù, người đứng đầu quốc gia Hồi giáo này, ông M.Ahmadinejad từng bày tỏ quan điểm Tehran sẵn sàng nối lại đàm phán hạt nhân với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) và rằng, quốc gia này phát triển chương trình năng lượng nguyên tử chỉ nhằm mục đích phục vụ dân sinh. Nhưng tất cả đã không thuyết phục được các nước phương Tây với những nguồn tin Iran đã đặt các lò phản ứng hạt nhân trong căn cứ quân sự ngầm dưới ngọn núi gần thành phố Qom, cách Tehran 150km về phía Tây nam. Dựa trên các thông tin tình báo, Bộ Quốc phòng Anh lo ngại Iran có thể đã giấu kín các cơ sở hạt nhân từ một năm trước, do vậy tên lửa khó có thể đánh trúng mục tiêu.
Cùng với sức ép ngoại giao và kinh tế, các phương án tấn công quân sự đã được đề cập trong những ngày gần đây. Nhiều tờ báo của Israel cho biết, lực lượng không quân của quốc gia Do Thái đã thực tập tiếp nhiên liệu trên không cùng Italia và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO). Bởi, để đánh bom Iran, máy bay Israel phải được tiếp nhiên liệu khi đang bay. Còn tờ Le Nouvel Observateur (Pháp) thì nêu nhiều giả thuyết cho một cuộc tấn công có thể nổ ra vào tuần tới khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) dự kiến đưa ra một báo cáo cáo buộc Tehran đang phát triển các công nghệ dùng trong phát triển vũ khí hạt nhân. Với báo cáo này, Israel và các nước phương Tây sẽ hành động nhanh bởi mùa đông với sương mù sẽ không thích hợp cho các cuộc oanh tạc đường không. Thêm vào đó, chiến dịch tranh cử ở Mỹ sẽ diễn ra sôi động từ tháng 1-2012 nên Tổng thống B.Obama sẽ phải hành động càng sớm càng tốt. Tờ Haaretz (Israel), ngày 2-11, dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên của Israel tiết lộ, Thủ tướng nước này Netanyahu đang thuyết phục Quốc hội về kế hoạch quân sự nhắm vào Iran...
Phương Tây muốn Tehran từ bỏ tham vọng hạt nhân. Thế nhưng, điều ấy thật không đơn giản khi lãnh đạo Tehran từng chỉ rõ rằng, "hạt nhân" chỉ là một cái cớ để Mỹ và các đồng minh chống lại sự độc lập của Iran và xa hơn là kiểm soát vị trí địa - chiến lược mà quốc gia Hồi giáo này đang sở hữu tại Trung Đông. Đáp lại, Iran cũng đã có những phản ứng. Ngày 3-11, Bộ Ngoại giao nước này đã triệu tập đại sứ của Thụy Sĩ, bà Livia Leu Agosti để chính thức phản đối các "đe dọa" của Mỹ nhằm vào Iran. Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Iran hiện kiêm nhiệm giải quyết các vấn đề ngoại giao của Mỹ tại Iran vì hai nước này chưa có quan hệ ngoại giao. Quốc gia này cũng đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Tehran cũng cho biết không ngạc nhiên trước lời đe dọa của Israel, song cảnh báo sẽ trả đũa bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Iran...
Hiện tại, cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Iran đang bị đẩy lên cao và chưa thấy lối thoát. Nếu tình huống xấu nhất xảy ra sẽ là thảm họa với khu vực Trung Đông, đe dọa an ninh của cả thế giới. Trong một diễn biến mới, ngày 2-11, phát biểu tại một cuộc họp báo, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết, NATO không có ý định can thiệp quân sự vào Iran và ủng hộ các nỗ lực quốc tế theo đuổi các giải pháp chính trị và ngoại giao nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Iran. Pakistan, nước láng giềng với Iran, là một trong các đồng minh của Mỹ tại Nam Á cũng vừa lên tiếng phản đối mọi hình thức sử dụng vũ lực chống Iran. Đây là những hy vọng vừa lóe khi áp lực từ phương Tây bỗng gia tăng đột biến trong cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Iran.