Ám ảnh chưa tan
Thế giới - Ngày đăng : 08:00, 05/11/2011
Tổng thống Pháp N.Sarkozy (trái) không thể vui mừng tại Hội nghị G20 do ông chủ trì.
Di chứng từ cuộc khủng hoảng tài chính cuối năm 2008 đã và đang tạo ra một thế giới đa tốc độ. Trong khi các nền kinh tế lớn như Mỹ, Đức, Anh và Pháp đang chật vật bởi tăng trưởng thấp và tỷ lệ thất nghiệp cao, thì các nền kinh tế mới nổi như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Nga đã phục hồi trở lại. Sự phân kỳ này được phản ánh rõ trên bảng tài chính công. Tỷ lệ nợ tính theo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của những nền kinh tế mới nổi đang có xu hướng giảm. Trong khi đó, ở những nền kinh tế phát triển, tỷ lệ này đang gia tăng. Cả châu Âu và Mỹ đều chưa thể đưa ra được kế hoạch trung hạn đáng tin cậy để cải thiện tình trạng bất ổn tài chính kéo dài. Trong khi đó, tại Trung Đông và Bắc Phi, những bất ổn xã hội lan rộng đang kéo nền kinh tế nhiều nước vào tình trạng đình đốn...
Biểu đồ giá cả những mặt hàng chủ chốt trên thế giới những ngày qua cũng đã chỉ ra niềm tin phục hồi nền kinh tế thế giới đang trở nên mờ nhạt hơn. Nếu vàng và chứng khoán được coi như một hàn thử biểu của sức khỏe nền kinh tế thế giới, có thể thấy rõ triển vọng không mấy sáng sủa tại Mỹ và nhiều nước đang cùng chung "con thuyền" khủng hoảng nợ ở châu Âu. Chỉ trong một thời gian ngắn, giá vàng thế giới đã liên tục "xô đổ" mọi kỷ lục trong quá khứ, vượt qua mọi phán đoán của các chuyên gia kinh tế. Còn các thị trường chứng khoán đã mất hơn 3,3 nghìn tỷ USD kể từ giữa năm 2011 do tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư về tình trạng rối ren của nền kinh tế thế giới khi nguy cơ giảm phát của các quốc gia phát triển và nguy cơ lạm phát của các nền kinh tế mới nổi đang tồn tại song song.
Trong con mắt của các nhà lãnh đạo G20 tại Cannes, con đường khả quan nhất để mang lại bức tranh tươi sáng cho nền kinh tế toàn cầu là sự ổn định của Lục địa già mà tâm điểm là Hy Lạp. Vì vậy, các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) đã ra sức vận động, nhằm tìm được tiếng nói chung trong gói giải pháp được đánh giá là toàn diện để chứng minh cho thế giới về cuộc hợp lực mới của châu lục trong cơn khủng hoảng. Nhưng, "món quà" mà EU định mang tới Hội nghị Thượng đỉnh G20 đã tan thành mây khói vì những diễn biến bất ngờ vừa xảy ra ở xứ sở Thần thoại.
Trước sức ép của cả trong nước lẫn tại G20, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã tuyên bố sẵn sàng từ bỏ kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý gây tranh cãi về gói cứu trợ mới của châu Âu. Tuy nhiên, toan tính của người đứng đầu nội các Hy Lạp đã kịp thổi bùng những mâu thuẫn chính trị đang âm ỉ và đẩy chính phủ nước này tới nguy cơ sụp đổ. Vì thế, dù cuộc trưng cầu dân ý có bị hủy bỏ thì gói cứu trợ mới của EU dành cho Hy Lạp cũng khó được giải ngân nhanh chóng. Và như vậy, nguy cơ vỡ nợ tại tâm điểm cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đã bước lên một nấc thang nguy hiểm mới.
Giữa lúc "nước sôi, lửa bỏng", cú sốc mang tên Hy Lạp đã làm đảo lộn nghị trình G20 tại Cannes dưới sự chủ trì của Tổng thống Pháp - đang đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên G20. Mọi nội dung dự định bàn thảo hướng tới khôi phục sự tăng trưởng; cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế, cải cách sự lãnh đạo thế giới; đấu tranh chống lại sự gia tăng đột biến về giá cả nông sản, thực phẩm, điều chỉnh thị trường tài chính, tăng cường hỗ trợ tài chính đối với sự phát triển... đã bị bao phủ bởi nỗi ám ảnh từ Hy Lạp. Do vậy, kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo G20 đã không xây được "bức tường lửa" ngăn chặn khủng hoảng EU nợ lan rộng là điều dễ hiểu.