Luật chưa giải quyết được các vấn đề trọng tâm
Giáo dục - Ngày đăng : 05:52, 05/11/2011
Trước khi đi vào thảo luận các điều khoản cụ thể của Luật GDĐH, các ĐB đều bày tỏ sự lo lắng, băn khoăn về chất lượng GDĐH. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến GDĐH chưa hoàn chỉnh, GDĐH được điều chỉnh chủ yếu bằng các văn bản dưới luật. Vì vậy, liên quan đến vấn đề này, các ĐB đặt ra hàng loạt câu hỏi và yêu cầu cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục - Đào tạo phải có giải đáp thỏa đáng.
Nâng cao chất lượng giáo dục đại học chínnh là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ xây dựng, phát triển đất nước. Ảnh: Trần Hải
Thẳng thắn chỉ rõ yếu kém trong giáo dục bậc ĐH, ĐB Nguyễn Đình Quyền (TP Hà Nội) bức xúc nêu lên thực trạng "tỉnh tỉnh, ngành ngành, nhà nhà làm ĐH", không có quy hoạch cụ thể. Đây là vấn đề rất bất bình thường, bất hợp lý mà vẫn tồn tại. Nhiều ý kiến cử tri cho rằng chất lượng đào tạo ĐH rất "có vấn đề", "kêu" nhiều mà chuyển biến rất chậm. ĐB Bùi Thị An (TP Hà Nội), Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh), Đặng Ngọc Quỳnh (Hưng Yên) đều yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước phải có nghiên cứu, đánh giá xem trình độ GDĐH của nước ta so với thế giới như thế nào, lý giải được nguyên nhân yếu kém và mục tiêu của GDĐH ra sao (?).
Về vấn đề điều kiện cơ sở vật chất, các ĐB cho rằng nhiều cơ sở GDĐH, nhất là các cơ sở tư thục, không đáp ứng được yêu cầu. ĐB Chu Sơn Hà (TP Hà Nội) nêu minh chứng, có trường ĐH đặt cơ sở tại khán đài một sân vận động, có trường nằm tại một tầng của tòa nhà... không thể đáp ứng yêu cầu GD-ĐT. Về đội ngũ giáo viên, nhiều cơ sở cũng còn thiếu và yếu. Công tác quy hoạch, tuyển sinh còn nhiều bất cập, tùy tiện nên chất lượng GDĐH không tăng, không đáp ứng được yêu cầu.
Mục tiêu cuối cùng là chất lượng, hiệu quả đào tạo
Từ việc đánh giá chất lượng và phân tích nguyên nhân, các ĐBQH nhất trí với việc cần thiết ban hành Luật GDĐH để tạo hành lang pháp lý thuận lợi và thống nhất để điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến GDĐH, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Đối chiếu với yêu cầu đó, các ĐB cho rằng dự thảo luật vẫn chưa thể chế hóa rõ ràng một số chủ trương, chính sách lớn, chưa giải quyết thấu đáo, triệt để một số vấn đề quan trọng như phân tầng các cơ sở GDĐH; quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở GDĐH; cơ chế, chính sách đối với các cơ sở GDĐH tư thục phi lợi nhuận và các cơ sở GDĐH tư thục vì lợi nhuận hợp lý…
Các ĐB bày tỏ băn khoăn về việc một số điều, khoản thay vì phải được quy định cụ thể ngay trong luật thì lại được giao cho các văn bản dưới luật, sẽ gây khó khăn và chậm trễ cho việc triển khai thi hành luật trong thực tiễn. Về vấn đề này, các ĐB Nguyễn Đình Quyền, Phạm Huy Hùng (TP Hà Nội) nhận xét, dự án luật còn mang tính chất "luật khung", nhiều quy định chung chung, chưa cụ thể, nhiều điều khoản giao cho Chính phủ quy định là không thỏa đáng. Đi vào các vấn đề cụ thể, ĐBQH đóng góp nhiều ý kiến với mục đích nâng cao chất lượng GDĐH. Những vấn đề nóng được nêu ra là xã hội hóa GDĐH; GDĐH có yếu tố nước ngoài; địa vị pháp lý cũng như cơ cấu, tổ chức của các cơ sở GDĐH...
Ngoài những vấn đề trên, các ĐB đặc biệt chú ý đến công tác kiểm định chất lượng GDĐH. Các quy định liên quan đến vấn đề này trong dự thảo luật mới chỉ dừng lại ở mức độ đề ra các nguyên tắc cơ bản và khái quát, chưa đủ cụ thể và chưa rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ sở GDĐH. Vì vậy, các ĐB đề nghị quy định việc tham gia kiểm định chất lượng đào tạo là bắt buộc đối với cơ sở GDĐH và phải áp dụng các hình thức kiểm định chất lượng bắt buộc và các nội dung này cần được quy định rõ trong luật.
Ngoài các ý kiến cụ thể đóng góp vào dự thảo Luật GDĐH, các ĐBQH đều thể hiện tâm huyết với công tác GDĐH bằng những kiến nghị Nhà nước tiếp tục tăng cường đầu tư vật chất cho bậc học này. Bên cạnh đó, các ĐB cho rằng dự án luật cần thể hiện quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý GDĐH, đẩy mạnh trao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH tự quyết định những vấn đề chuyên môn cụ thể thuộc phạm vi hoạt động của mình....
*Cũng trong sáng 4-11, các ĐBQH thảo luận tại tổ về nội dung dự án Luật Quảng cáo. Đồng tình với sự cần thiết ban hành luật này, các ĐB cho rằng, sau gần 10 năm thực hiện, Pháp lệnh Quảng cáo đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Trong khi đó, hoạt động quảng cáo ngày càng phát triển, đòi hỏi phải có hành lang pháp lý cụ thể để điều chỉnh. Về thực trạng của hoạt động quảng cáo hiện nay, các ĐB cho rằng có quá nhiều vi phạm: Hình ảnh, nội dung quảng cáo bạo lực, phản cảm, bất bình đẳng giới; quảng cáo quá thời lượng...
Về công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này, dù còn có băn khoăn rằng 80% nội dung quảng cáo thuộc chuyên môn của Bộ Thông tin - Truyền thông song đa số ĐB cho rằng, mục đích chính của công tác quản lý hoạt động quảng cáo là quản lý nội dung sản phẩm quảng cáo. Mỗi sản phẩm quảng cáo, ngoài việc bảo đảm thông tin chính xác, còn cần phải hàm chứa yếu tố văn hóa, thẩm mỹ phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và thuần phong mỹ tục của nước ta. Vì vậy, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch phải là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
*Chiều 4-11, QH họp toàn thể, nghe Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền. Đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống rửa tiền.
Cũng trong chiều 4-11, QH còn nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trình bày Tờ trình về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
ĐB Phạm Quang Nghị (Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội): “Phải quan tâm đến đối tượng tiếp nhận thông tin quảng cáo” |