Hàn Quốc tiếp nhận trở lại lao động Việt Nam

Đời sống - Ngày đăng : 11:22, 04/11/2011

Sau một thời gian tạm ngừng các kỳ thi tuyển tiếng Hàn nhằm tiếp nhận lao động Việt Nam do tình trạng cư trú bất hợp pháp gia tăng, hiện Bộ Lao động Hàn Quốc đã tiếp nhận trở lại lao động nước ta.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Sau một thời gian tạm ngừng việc thi tuyển, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã thống nhất với Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam tổ chức kỳ thi kiểm tra tiếng Hàn lần thứ 9 cho lao động Viêt Nam. Theo đó, năm 2012 số lượng ứng viên được làm hồ sơ đăng ký dự tuyển gửi sang Hàn Quốc 15.000 người, chủ yếu ở 4 ngành nghề: Sản xuất chế tạo (11.700 người), Xây dựng (1.000 người), Nông nghiệp (1.000 người) và Ngư nghiệp (1.000 người).

Theo đó, dự kiến ngày thi kiển tra sẽ được tổ chức vào hai ngày 17 và 18/11/2011. Người lao động sẽ dự thi tại các địa điểm: Hà Nội, Nam Định, Vinh (Nghệ An), Đà Nẵng và TPHCM. Người lao động có thể mua hồ sơ đăng ký dự thi tại các Sở LĐ-TB&XH từ ngày 11 đến ngày 14/11/2011.

Đại diện Bộ Lao động Hàn Quốc thông tin về chương trình tiếp nhận lao động Việt Nam năm 2012. (Ảnh: TT)

Trước thực trạng vẫn còn diễn ra tình trạng cò mồi lừa đảo người lao động thu phí lo trái phép, ông Quỳnh cảnh báo người lao động: Việc tổ chức thi tiếng Hàn là do bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc chủ trì tổ chức và không ai có thể can thiệp được nên người lao động phải cẩn trọng để không mất tiền oan.

“Chiêu trò của “cò” là lợi dụng tỷ lệ lao động Việt Nam sau khi gửi hồ sơ đã được chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn với tỷ lệ cao (khoảng 80%) nên sau khi có kết quả, đối tượng lừa đảo đã đứng ra nhận giúp đỡ, rồi thu phí “chống trượt” của người lao động. Trong khi đó, có khi 10 người nộp hồ sơ chờ tuyển trên mạng thì có 8 người được chọn. Nên dù có phải trả lại tiền cho 2 người không trúng tuyển thì “cò” vẫn thu được tiền của 8 người còn lại” - ông Quỳnh nói.

Ông Quỳnh cũng cho biết, để giảm tỷ lệ lao động bỏ hợp đồng hoặc hết hạn hợp đồng không về nước và thực hiện cam kết của Việt Nam với Hàn Quốc về lộ trình giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị các tỉnh, thành phố có biện pháp xử lý việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra cho người lao động tại 23 xã, phường có từ 5 lao động trở lên đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Trên thực tế, có khoảng 48 % lao động Việt Nam sau khi hết hạn thời giam làm việc 5 năm đã không về nước rồi ở lại cư trú làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Điều này đã gây nhiều bất lợi cho sự hợp tác của ngành xuất khẩu lao động Việt Nam đối với Hàn Quốc.

Hậu quả là hồi tháng 9 vừa qua, phía Hàn Quốc đã tạm dừng các đợt thi tuyển tiếng Hàn nhằm tiếp nhận lao động Việt Nam sang quốc gia này. Nguyên nhân do số lượng người lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại quốc gia này đang ở mức cao, gây bức xúc cho xã hội.

Để khắc phục tình trạng đó, phía Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã giao cho Cục, Trung tâm lao động ngoài nước, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc xây dựng đề án ngăn ngừa tình trạng cư trú bất hợp pháp và chuyển đổi nơi làm việc vì lý do không chính đáng của lao động tại Hàn Quốc.

Đề án đã đưa ra một số giải pháp, như: thay đổi cách tuyển chọn lao động trong ngành nông nghiệp và ngư nghiệp (ngành lao động hay đề nghị chuyển đổi); phối hợp với chính quyền và gia đình động viên lao động về nước; xử phạt trường hợp cư trú bất hợp pháp; hạn chế tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc từ các xã phường có tỷ lệ người cư trú bất hợp pháp cao; áp dụng hình thức đặt cọc hoặc bảo lãnh để chống bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp...

Ngoài ra, theo đề án này, lao động về nước đúng hạn sẽ được nhận lại khoản tiền bảo hiểm hồi hương, được nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển để tiếp tục làm việc hợp pháp tại Hàn Quốc, được đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm…

Phía Hàn Quốc cũng cho biết sẽ siết chặt việc kiểm soát lao động trái phép tại Quốc gia này và áp dụng hình phạt nặng đối với chủ sử dụng lao động sử dụng nguồn nhân công bất hợp pháp.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, tổng số lao động Việt Nam đã xuất cảnh sang Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài đến nay là 63.271 người. Lao động Việt Nam sang Hàn Quốc chủ yếu làm việc chủ yếu trong ngành sản xuất chế tạo (gần 90%), ngoài ra còn có các ngành ngông nghiệp, đánh cá, xây dựng. Theo thống kê, mỗi năm lực lương lao động Việt Nam tại Hàn Quốc gửi về nước khoảng 600 triệu USD.

P. Thanh