Khi văn hóa bị phân biệt

Thế giới - Ngày đăng : 06:32, 04/11/2011

(HNM) - Đó là nền văn hóa Palestine của người Palestine vừa được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), công nhận là thành viên chính thức ngày 31-10. Sự kiện này đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của Mỹ.

Thành phố cổ Hebron.


Chỉ vài giờ sau khi nền văn hóa Palestine bước vào ngôi nhà chung của thế giới, Washington đã trừng phạt UNESCO bằng động thái cắt tài trợ 70 triệu USD tương đương 1/4 ngân sách thường niên của tổ chức này, song vẫn duy trì quy chế thành viên của Mỹ tại UNESCO. Theo Washington, đây là phản ứng về quyết định "vội vàng và hủy hoại mục tiêu chung" nhằm có được một thỏa thuận hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài giữa Israel và Palestine. Còn tại Israel, tối 1-11, một quan chức cấp cao nước này cho biết, quốc gia Do Thái này sẽ xây dựng 2.000 nhà định cư mới tại Đông Jerusalem và khu Bờ Tây; đồng thời tạm phong tỏa chuyển tiền cho chính quyền Palestine nhằm trả đũa việc Palestine trở thành thành viên đầy đủ của UNESCO...

Ngược với Mỹ và Israel nhiều quốc gia, như Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Anh, các nước khu vực châu Phi, Mỹ La tinh, châu Á ủng hộ để Palestine gia nhập UNESCO. Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã lên tiếng kêu gọi một hành động quốc tế nhằm duy trì tài trợ cho hoạt động của UNESCO.

Việc UNESCO nhất trí để Palestine trở thành thành viên đầy đủ của tổ chức này là một thắng lợi lớn mang tính biểu tượng trên con đường giành tư cách thành viên LHQ đầy đủ của Palestine; đồng thời mở đường cho Palestine gia nhập các tổ chức khác của LHQ. UNESCO là cơ quan đầu tiên thuộc LHQ dành cho Palestine quy chế thành viên đầy đủ.

Với người dân Palestine, đây là "chiến thắng của công lý, sự công bằng và tự do". Còn với cộng đồng thế giới, đó là sự ủng hộ chính đáng với người dân Palestine, qua đó giúp bảo vệ các di sản văn hóa nổi tiếng của Palestine như thị trấn Bethlehem, Nhà thờ Giáng sinh (nơi sinh của Chúa Jesus Christ); thành phố Hebron (một trong những thành phố cổ xưa nhất thế giới); khu Tel Al-Sultan, thị trấn Jericho...

Quyết định của UNESCO là nhằm bảo vệ những giá trị văn hóa cho nhân loại. Nhưng đáng tiếc, lý tưởng cao quý của UNESCO đã vấp phải sự phân biệt văn hóa bằng những quyết tâm chính trị lỗi thời trong thế giới hiện đại. Dư luận cho rằng, quyết định của Washington cũng như phản ứng của Israel dự định sẽ xây dựng 2.000 nhà định cư mới tại Jarusalem và khu Bờ Tây là hành động làm Trung Đông vốn đang đầy căng thẳng lại thêm căng thẳng hơn, gây khó khăn thêm cho việc bảo tồn, tôn tạo và gìn giữ các di sản trên thế giới, một trong những nhiệm vụ chủ yếu của UNESCO.

Phương Nhi