Gáo nước lạnh từ Athens
Thế giới - Ngày đăng : 06:14, 04/11/2011
Trong bối cảnh chính trị ở xứ sở Các vị thần đang có những diễn biến không thuận cho chính đảng cầm quyền, lựa chọn trưng cầu dân ý của Chính phủ Hy Lạp về gói cứu trợ của EU đang bị dân chúng nước này nghi ngờ là một nước cờ ẩn dưới chiếc ô dân chủ nhằm lôi kéo sự ủng hộ của cử tri, giúp Thủ tướng George Papandreou tránh một cuộc bỏ phiếu sớm. Cũng có ý kiến cho rằng, người đứng đầu Chính phủ Hy Lạp đã chuyền khéo "quả bóng" trách nhiệm với tương lai của đất nước sang phía người dân.
Các nhà lãnh đạo EU đang buộc phải đề cập tới khả năng chia tách của Eurozone. |
Song nhiều khả năng phía phải hứng trọn hậu quả từ động thái này lại là phần còn lại của EU, đặc biệt là Pháp, Đức. Hai quốc gia từng tiêu hao rất nhiều sức lực mới thuyết phục được các thành viên khác thông qua thỏa thuận được đánh giá là đột phá toàn diện kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ bùng phát cách đây hai năm, trong đó có điều khoản xóa 50% khoản nợ và bổ sung khoản vay mới trị giá 130 tỷ euro cho Hy Lạp. Thế nhưng, sự nhiệt tình "chạy nợ" cho Hy Lạp của các cây đại thụ trong EU lại không nhận được mấy hoan nghênh từ phía người dân Hy Lạp. Vì chấp nhận khoản cứu trợ mới đồng nghĩa với Athens phải siết chặt thêm chương trình “thắt lưng buộc bụng” vốn đã rất hà khắc ở nước này. Tức là, Hy Lạp phải sa thải thêm công chức và người lao động, tiếp tục giảm lương và trợ cấp, tăng giờ làm, tư nhân hóa một số lĩnh vực kinh tế...
Các biện pháp này kéo dài trong 3 năm và dự kiến sẽ khiến 100.000 lao động bị mất việc. Vì vậy, khả năng các cử tri Hy Lạp nói "không" trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới là rất cao. Kết quả cuộc thăm dò dư luận công bố ngày 31-10 cũng phản ánh thực tế này khi gần 60% số người được hỏi đánh giá gói cứu trợ mới của EU là "tiêu cực". Nếu kết quả "sát hạch" diễn ra đúng với dự đoán, Lục địa già sẽ lâm vào một cú sốc khó lường khi làn sóng suy giảm lòng tin vào sự tồn tại của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) càng thêm trầm trọng. Dó đó, Hy Lạp đang thành ngòi nổ có thể gây sụp đổ cả hệ thống đồng euro.
Trước động thái quá bất ngờ của Athens, phản ứng của các nhà lãnh đạo châu Âu là một cuộc họp khẩn vừa được tổ chức ngay trước ngày Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các quốc gia có nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) diễn ra tại Cannes (Pháp). Từ kinh ngạc tới bất bình, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã phải yêu cầu ngưng mọi khoản viện trợ tài chính cho Hy Lạp cho tới khi mọi việc trở nên rõ ràng. Do không thể phản bác tính chính đáng cuộc trưng cầu dân ý của Chính phủ Hy Lạp, các nhà lãnh đạo đầu tàu của Eurozone buộc phải sử dụng "tối hậu thư" khi coi cuộc trưng cầu dân ý của Hy Lạp như lá phiếu đi hay ở của quốc gia này trong liên minh tiền tệ của EU. Kể từ khi khủng hoảng nợ xảy ra, dù nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới đã dự đoán khả năng chia tách của Eurozone; nhưng đây là lần đầu tiên chính các nhà lãnh đạo EU đã buộc phải đề cập tới sự thể không muốn này.
Bức tranh "đoàn kết vượt qua khủng hoảng" tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 trong ngày 3 và 4-11 mà Tổng thống N.Sarkozy tâm huyết xây dựng đã phải thay bằng "sự cố" Athens và viễn cảnh tài chính u ám của mái nhà chung EU. Niềm tự hào của Cựu lục địa có trụ vững hay không giờ đang phụ thuộc vào "phán quyết" từ Hy Lạp dự kiến diễn ra đầu tháng 12 tới.