Phải minh bạch tài sản có nguồn vốn từ điện
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:05, 04/11/2011
Không ảnh hưởng tới giá điện
Quyết định số 55/2011/ QĐ-TTg ngày 14-10-2011 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng do Nhà nước nắm cổ phần, vốn góp chi phối, đã không còn tên EVNTelecom của EVN. Tuy nhiên, do khi đi vào kinh doanh viễn thông, EVN đã tận dụng lợi thế mạng truyền dẫn đường trục quốc gia gồm trên 40.000km cáp quang, mạng truyền dẫn đã có mặt tại 63 tỉnh và thành phố trên cả nước; sử dụng hệ thống đường trục Bắc - Nam chạy song song đồng thời trên các tuyến dây tải điện 500kV, 220kV với công nghệ hiện đại và dung lượng thiết kế lên đến 400Gbps đã được xây dựng bằng nguồn vốn từ điện để phục vụ cho vận hành hệ thống điện. Vì vậy, vấn đề chuyển giao tài sản phải được minh bạch để không ảnh hưởng tới phần tài sản của ngành điện và đặc biệt ảnh hưởng tới việc phát triển của ngành điện khi tham gia vào thị trường.
Việc Chính phủ yêu cầu EVN chuyển giao toàn bộ phần kinh doanh viễn thông công cộng sang cho Viettel với mục đích để minh bạch giá điện, vì vậy, việc chuyển giao tài sản cũng phải được thực hiện một cách minh bạch. Bởi lẽ, tài sản là một phần cấu thành giá điện. Nếu việc chuyển giao tài sản không rõ ràng, minh bạch sẽ ảnh hưởng tới giá điện sau này.
Kể cả từ khi EVN tham gia vào thị trường viễn thông công cộng (năm 2007) đến nay, cáp quang vẫn do các tổng công ty điện lực lo vốn để đầu tư. Cáp quang là một phần cơ sở hạ tầng của ngành điện có nhiệm vụ điều hành lưới điện, phần dư còn lại cho EVNTelecom thuê kinh doanh viễn thông. Từ năm 2009, khi EVN có thêm dịch vụ 3G, việc đầu tư xây cột, ăng ten 3G, vỏ nhà trạm và đầu tư cáp quang từ cột đến các điểm nút…, vẫn do các tổng công ty điện lực đảm nhận và EVNTelecom thuê lại. Như vậy, hầu hết cơ sở hạ tầng để kinh doanh viễn thông đều có nguồn gốc từ các dự án điện. Đặc biệt, từ cuối năm 2008, khi các ngân hàng không cho EVN vay tiền đầu tư kinh doanh viễn thông thì các công trình đều phải vay cho điện và EVN kinh doanh viễn thông với hình thức tận dụng phần dung lượng không sử dụng hết.
Các tuyến cáp quang và thiết bị truyền dẫn được bàn giao cho EVNTelecom tiếp nhận và quản lý vận hành nhưng vẫn có nguồn gốc vốn vay để phục vụ cung cấp điện, là tài sản của điện và đã nằm trong cấu thành giá điện.
Đã cho đi, rồi thuê lại?!
Trung tâm Công nghệ thông tin (EVNIT) ra đời năm 2002 có chức năng nghiên cứu, xây dựng và triển khai các dự án công nghệ thông tin (CNTT) trong toàn ngành điện như: Hệ thống thông tin quản lý khách hàng dùng điện, hệ thống quản lý nhà máy điện, quản lý khách hàng và hệ thống phần mềm cho công ty tài chính, ngân hàng… Phần việc thực tế hiện nay của EVNIT đối với toàn hệ thống CNTT của ngành điện bao gồm: Xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển CNTT chung của EVN; lập các dự án xây dựng hệ phần mềm thống nhất toàn EVN như những phần mềm đang chạy CMIS, FMIS, E-Office…; bảo dưỡng, nâng cấp các phần mềm dùng chung cho toàn bộ các đơn vị trong EVN; thiết kế, xây dựng, bảo dưỡng các mạng diện rộng (WAN) theo tiêu chuẩn ngành điện; xây dựng mạng cục bộ (LAN) của các đơn vị trong EVN để kết nối các mạng hiện có thành mạng diện rộng; lên kế hoạch và trực tiếp đào tạo về CNTT thống nhất trong các đơn vị trong EVN; triển khai các chương trình tự động hóa và GIS trong các lĩnh vực: phát, truyền tải, phân phối điện đồng thời thu thập số liệu, xử lý và đưa thông tin về các lĩnh vực này lên mạng diện rộng phục vụ điều hành sản xuất trong toàn EVN.
Như vậy, nếu chuyển giao EVNIT cho Viettel đồng nghĩa với việc chuyển toàn bộ hoạt động CNTT điều hành sản xuất phục vụ trong toàn ngành điện cho Viettel quản lý. Điều này dẫn đến nhiều bất cập như: Đối với các đơn vị thuộc EVN (Tổng Công ty Truyền tải điện, các tổng công ty điện lực, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, các nhà máy điện…) sẽ không thể chủ động thực hiện các hoạt động sản xuất cần thiết bảo đảm tính cấp bách và bảo mật thông tin trong điều hành hệ thống.
Do có Trung tâm Công nghệ thông tin nên chi phí cho toàn hệ thống về CNTT của EVN hiện nay rất thấp, chủ yếu tập trung vào đào tạo và bảo dưỡng phần mềm do EVNIT thực hiện. Nếu bàn giao cho Viettel toàn bộ hệ thống CNTT, EVN phải trả gấp nhiều lần cho mỗi năm trong việc này, bao gồm chi phí phải trả cho các tuyến truyền dẫn kết nối giữa các đơn vị phục vụ sản xuất kinh doanh điện, chi phí cho các dịch vụ ứng dụng Video Conference, đọc thông số công tơ điện tử, lưới điện thông minh, ứng dụng đo xa...; chi phí nâng cấp, sửa chữa phần mềm… Những khoản đó, sau này chắc chắn sẽ phải hạch toán chi phí vào giá điện.
Vì vậy, khi bàn giao tài sản từ EVNTelecom sang cho Viettel, ngoài việc xác định nguồn vốn, EVN cần phân định rõ ràng hệ thống cáp quang phục vụ công tác điều hành sản xuất kinh doanh điện, điều độ hệ thống điện và một phần cung cấp truyền dẫn cho các trạm BTS kinh doanh viễn thông.
Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, khi mà Chính phủ đang yêu cầu từng bước hiện đại hóa, tiến tới tự động hóa trong điều hành, vận hành hệ thống điện nhằm tiết giảm tối đa chi phí của ngành điện; xây dựng cơ sở vật chất để tham gia thị trường điện, thì công nghệ thông tin là điều kiện quan trọng và không thể thiếu đối với EVN.
Không được làm sai quy định
Khoản 4, Điều 16, Nghị định số 09/2009/NĐ-CP của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp quy định: "Tài sản của công ty TNHH nhà nước một thành viên không thuộc sở hữu của tổng công ty, công ty mẹ". Mục a, b Điều 38 nghị định này quy định: "Công ty mẹ thực hiện các quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu đối với số vốn đã đầu tư tại các công ty con, doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật", "Công ty con thực hiện quản lý vốn và tài sản theo quy định của pháp luật đối với loại hình tổ chức và hoạt động của công ty đó". Như vậy, EVN chỉ thực hiện quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu đối với số vốn đã đầu tư tại các đơn vị. Các đơn vị mới là chủ sở hữu tài sản, có quyền định đoạt và phải chịu trách nhiệm quản lý vốn và tài sản của mình theo quy định của pháp luật trên nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn.
Điều 64 cũng quy định: Chủ sở hữu công ty có quyền quyết định bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại điều lệ công ty (điều lệ công ty quy định tỷ lệ lớn hơn hoặc bằng 30%).
Kể cả trong trường hợp các đơn vị thành viên thuộc EVN đồng ý hoặc quyết định bàn giao tài sản thì việc bàn giao phải được thực hiện trên nguyên tắc thanh toán. Chương III, Điều 37, khoản C quy định: "Tổng công ty không được điều chuyển tài sản của công ty thành viên hạch toán độc lập, công ty TNHH MTV theo phương thức không thanh toán".
Việc EVN phải bàn giao kinh doanh viễn thông công cộng sang Viettel nhằm minh bạch giá điện là một quyết định đúng đắn và kịp thời, tuy nhiên, việc bàn giao tài sản phải tiếp tục được minh bạch để không ảnh hưởng tới vận hành hệ thống điện, tham gia thị trường điện và giá điện sau này.