Phải sát thực tế và phù hợp với mọi đối tượng

Đời sống - Ngày đăng : 07:08, 03/11/2011

(HNM) - Chỉ vài ngày sau khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trình đề xuất điều chỉnh giờ học, giờ làm trên địa bàn Thủ đô lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã họp nghe Ban Cán sự Đảng UBND TP báo cáo và ngày 1-11 có kết luận chính thức về việc điều chỉnh giờ làm việc, học tập và kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố (nội dung có khác với đề xuất của Bộ GTVT).



Tuy dự thảo chưa được UBND TP chính thức trình Thủ tướng, song các nội dung thay đổi đã gây sự chú ý đặc biệt của dư luận…

Ông Nguyễn Đăng Toàn (phố Dã Tượng, phường Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm):
Phương án của Hà Nội rất khoa học và tính khả thi cao

Nghiên cứu phương án thay đổi giờ học, giờ làm của Hà Nội, tôi thấy có nhiều điểm khoa học, hợp lý hơn đề xuất của Bộ GTVT. Thứ nhất, Hà Nội chia các đối tượng học sinh, sinh viên, công chức, viên chức theo nhóm và tính chất công việc. Nhóm 1 gồm học sinh, sinh viên các trường ĐH, CĐ, trung học chuyên nghiệp… thời gian học từ 7h-18h. Nhóm 2 là các trung tâm thương mại, cơ quan dịch vụ, tài chính… bắt đầu làm việc từ 9h-22h. Nhóm 3 gồm công chức, viên chức, học sinh mầm non, tiểu học, THCS… cùng làm việc và học tập từ 8h-17h. Với cách phân chia nhóm như trên, các đối tượng được bố trí thời gian làm việc, học tập, kinh doanh theo đúng tính chất, phù hợp với từng ngành nghề, điều kiện khác nhau. Thứ hai, mỗi nhóm có thời gian làm việc cách nhau 1 giờ đồng hồ sẽ tạo điều kiện tốt để giao thông được giảm tải, thay vì tất cả các đối tượng đều dồn ứ lại do các cơ quan, trường học được bố trí làm việc cùng giờ như hiện nay. Thứ ba, việc bố trí học sinh mầm non, tiểu học, THCS… và cán bộ, công chức chung một nhóm sẽ tạo điều kiện thuận tiện cho việc đưa đón con cái của một bộ phận không nhỏ các viên chức, công chức… Đây cũng là vấn đề bất cập, gây tranh cãi nhiều nhất trong đề xuất của Bộ GTVT. Bên cạnh đó, Hà Nội còn thực tế hơn khi đề nghị điều chỉnh cả khung giờ hoạt động của xe buýt nhằm giảm mật độ phương tiện trong giờ cao điểm. Cá nhân tôi cho đây là phương án rất khả thi, cần được tổ chức thực hiện ngay. Cái gì mới cũng đều có bỡ ngỡ, nhưng nếu vừa thực hiện vừa nghiên cứu, rút kinh nghiệm để hoàn thiện, thay đổi dần, tôi tin chúng ta sẽ làm được.

Việc điều chỉnh giờ học, làm việc vẫn khiến nhiều người dân băn khoăn vì còn nhiều bất cập.. Ảnh: Huyền Linh

Sinh viên Vũ Thùy Linh (Học viện Báo chí - Tuyên truyền):
Sẽ rất khó khăn khi sinh viên, giảng viên ĐH, CĐ lên giảng đường từ lúc tờ mờ sáng

Cả hai phương án thay đổi thời gian làm việc và học tập mà Bộ GTVT trình Chính phủ, tôi đều thấy không ổn. Ngay từ khi đề xuất, Bộ GTVT đã đặt mục tiêu phải sắp xếp một cách khoa học và hợp lý thời gian làm việc và học tập, để vừa bảo đảm công việc, vừa không ảnh hưởng lớn đến đời sống của cán bộ, công chức… Thế nhưng các phương án này chỉ bảo đảm giờ giấc sinh hoạt phù hợp với nhịp sinh học của các đối tượng là học sinh các bậc học: mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Còn đối tượng học sinh THPT và sinh viên các trường CĐ, ĐH lại không được tính đến. Nhà tôi ở cuối quận Hai Bà Trưng, nhưng trường học lại ở quận Cầu Giấy. Hằng ngày tôi phải vượt qua quãng đường hơn 10km để đến trường. Nếu các trường ĐH khu vực quận Cầu Giấy và Thanh Xuân học sáng từ 6h-11h, chiều từ 12h-17h, hằng ngày tôi và nhiều sinh viên khác sẽ phải đi học từ lúc 5h sáng, sẽ rất khó khăn.

Ông Đoàn Minh Khương (phố Mai Động, phường Mai Động, quận Hoàng Mai):
Chênh lệch 30 phút giờ làm giữa hai khối cán bộ, công chức là quá ít!

Điều tôi thấy chưa ổn ở cả hai phương án của Bộ GTVT, đó là giờ làm việc của khối cán bộ, công chức cơ quan trung ương và Hà Nội chỉ cách nhau 30 phút, từ 8h30 đến 9h. Trong tình hình giao thông như hiện nay, chỉ với giãn cách 30 phút, chắc chắn hai khối này lại gặp nhau trên đường và ùn tắc cục bộ sẽ vẫn xảy ra. Tôi đề nghị, nên kéo giãn thời gian làm việc của khối cơ quan trung ương và Hà Nội cách nhau khoảng 1h. Song về cơ bản, nếu không kiềm chế được sự phát triển của phương tiện cá nhân, tăng cường đầu tư, phát triển giao thông công cộng… thì việc thay đổi giờ làm, giờ học cũng không "cứu vãn" nổi tình trạng ùn tắc giao thông trầm trọng như hiện nay.

Bà Phạm Vân Anh (thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì):
Nếp sinh hoạt của từng gia đình sẽ bị đảo lộn

Tôi là công chức một cơ quan cấp bộ đóng trên địa bàn Hà Nội. Nếu đi làm theo phương án điều chỉnh của Bộ GTVT, tôi không thể đưa con đi học, càng không thể đón con về. Trong khi tôi còn phải ngồi làm việc, sẽ có người khác phải thay tôi đưa đón con cái, các gia đình khác cũng vậy. Thêm nữa, 18h hằng ngày mới rời công sở, việc chợ búa, cơm nước cho bữa tối, bữa quan trọng nhất của gia đình trong ngày, tôi cũng không thể đảm nhiệm. Rồi còn dọn dẹp nhà cửa, dạy con học bài... cũng sẽ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, để phục vụ cho sự thay đổi giờ giấc trong mỗi gia đình, các loại hình cung cấp dịch vụ, hàng hóa cũng phải thay đổi theo... Nói như vậy để thấy rằng, việc điều chỉnh giờ giấc không phù hợp sẽ gây xáo trộn nghiêm trọng trong mỗi gia đình và cả xã hội. Tại sao các ngành chức năng không tính đến những giải pháp khác như hạn chế ô tô cá nhân, giải tỏa các bãi trông giữ xe, lều lán, hàng quán lấn chiếm lòng, lề đường...

Ông Trần Xuân Nam (phường Thành Công, quận Ba Đình):
Không thể nóng vội

Ùn tắc giao thông ở Hà Nội đã trở thành bệnh kinh niên, cần có các liệu pháp điều trị cẩn trọng, tránh nóng vội, bởi theo tôi, nguyên nhân của tình trạng này là năng lực hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu. Ngành chức năng đang tích cực giải quyết như xây dựng thêm cầu vượt, cầu tạm, mở rộng đường giao thông, phát triển mạng lưới giao thông công cộng... Biện pháp dài hơi hơn nữa là di dời các bệnh viện lớn, trường học, cơ quan trung ương ra ngoài trung tâm. Tuy nhiên, các giải pháp này cần phải có thời gian và sự đầu tư lớn về kinh phí. Điều chỉnh giờ học, giờ làm là một giải pháp tình thế, giải quyết phần "ngọn" đang được dư luận quan tâm, nhưng chưa nên áp dụng đồng bộ, chỉ nên thí điểm để kịp thời bổ sung, điều chỉnh những nội dung chưa hợp lý...

Nga Thủy