Chẩn bệnh quy hoạch
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:05, 03/11/2011
Chỉ thị số 2178/CT-TTg ngày 2-12-2010 của Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ: Công tác quy hoạch chưa được coi trọng đúng mức dẫn đến tình trạng quy hoạch thiếu tập trung, dàn trải; chưa thống nhất giữa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất; chưa có sự liên kết giữa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng, quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu đồng bộ, tính dự báo chưa cao nên một số quy hoạch bị phá vỡ, nhiều quy hoạch phải điều chỉnh sau một thời gian ngắn được phê duyệt; công tác quản lý nhà nước về quy hoạch còn nhiều bất cập…
Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, việc lập và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị thường phải đi trước một bước. Lý thuyết là thế, nhưng trên thực tế có làm được như vậy hay không, làm có hiệu quả không lại là cả một vấn đề. Nhiều năm qua, chúng ta đã làm quy hoạch, thực hiện theo quy hoạch và cũng không ít lần thay đổi quy hoạch; do khách quan, chủ quan cũng là tất yếu mà thôi và kết quả ra sao, có lẽ không phải nói thêm bởi ra đường khắc thấy.
Hà Nội cũng đã loay hoay tìm lời giải cho bài toán quy hoạch từ nhiều chục năm về trước và cũng đã điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, thế nhưng chỉ chuyện quy hoạch nào cần làm trước, quy hoạch nào là tiền đề... đã là cả câu chuyện dài. Thực tế, có không ít quy hoạch ngành, lĩnh vực hiện còn đang nghiên cứu chưa được phê duyệt. Vậy Hà Nội sẽ phải làm quy hoạch thế nào? Liệu có thể đẩy nhanh tiến độ quy hoạch được không? Chưa kể không ít vấn đề nội tại như: nhiều dự án quy hoạch tại một số khu vực chưa có sự thống nhất giữa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt. Đấy là chưa nói đến không ít đồ án quy hoạch đô thị (phân khu, chi tiết...) đang có nhiều thiếu sót, khiếm khuyết về tính tổng thể chất lượng và tiến độ… Những điều này sẽ kéo theo không ít hệ lụy và sự chồng chéo, thậm chí là mâu thuẫn, xung đột về nội dung giữa các đồ án, dự án quy hoạch trong thời gian tới...
Quy hoạch kiến trúc nhìn ở một khía cạnh nào đó có thể xem là "nghệ thuật sắp đặt" phát triển kinh tế - xã hội tương lai. Ví như, nếu ngành giáo dục - đào tạo không thật sự bắt tay vào quy hoạch cho ngành mình, chỉ ra được việc cần có bao nhiêu trường học, lượng học sinh ra sao, ngành y tế không làm rõ việc cần có bao nhiêu bệnh viện, quy mô thế nào, rồi ngành công thương không định hình được bao nhiêu khu công nghiệp, bao nhiêu siêu thị cho tương lai? vân vân và vân vân…, chắc chắn Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các vụ, viện làm quy hoạch của Bộ Xây dựng không thể đưa ra được một quy hoạch đô thị đủ sức bao quát...! "Tô xanh, vẽ đỏ" cho một đồ án quy hoạch không khó với một nhân viên đồ bản, nhưng giải bài toán tổng thể cho quy hoạch không thể là đơn giản bôi đỏ, vẽ xanh.
Nếu không có thay đổi về tư duy và cách làm quy hoạch thì không thể giải quyết những bùng nhùng của đô thị hiện nay. Quy hoạch không phải việc của riêng ai. Mỗi ngành phải có trách nhiệm và không thể " trăm dâu đổ đầu tằm". Chứng bệnh nan y của đô thị cần được chữa từ "tâm bệnh", từ nhận thức của mỗi ngành về công tác quy hoạch; từ việc triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện; từ sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, các địa phương trong việc xây dựng và quản lý quy hoạch… Chữa được căn bệnh này, chắc chắn chúng ta sẽ không phải "gọt chân cho vừa giày".