Ngạc nhiên về khả năng ứng xử tự tin của thí sinh

Văn hóa - Ngày đăng : 16:25, 02/11/2011

(HNMO) - Sáng 2/11, 51 thí sinh của 12 dân tộc lọt vào vòng Bán kết cuộc thi “Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam lần thứ II-2011” đã tham gia phần thi ứng xử tại Trung tâm phát triển Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội).

Phần thi ứng xử diễn ra sáng ngày 2/11, nhiều thí sinh khiến người xem ngạc nhiên về câu trả lời thông minh, tự tin


* Ngàn hoa khoe sắc

Phần thi ứng xử vốn được xem là phần quan trọng và hấp dẫn nhất trong các cuộc thi sắc đẹp. Vì lẽ đó, khi phần thi này xuất hiện trong vòng bán kết cuộc thi Dân tộc Việt Nam 2011, đã thu hút sự quan tâm của báo giới. Phần thi ứng xử tạo cơ hội cho các thí sinh giới thiệu về những nét đắc sắc trong văn hoá của dân tộc mình, quê hương mình. Những thí sinh đến từ dân tộc Giáy, Sán Chay, Hoa, Tày, Mường, Thái… đã thể hiện những nét đặc sắc của bản sắc văn hoá qua những bộ trang phục, những điệu xoè, điệu hát then, điệu sình ca…

Trong phần thi này, các thí sinh có 2 phút để thể hiện khả năng ứng xử của mình. Dù có nhiều thí sinh khá run vì lần đầu tiên đứng trước nhiều người trả lời ứng xử, nhưng do được chuẩn bị chu đáo nên các thí sinh đều vượt qua phần ứng xử một cách trôi chảy. Nhiều thí sinh còn gây bất ngờ bởi câu trả lời thông minh.

Thí sinh Hoàng Thị Hiền, dân tộc Dao dù khá run nhưng vẫn cố gắng hát một câu đối đáp trong một bài hát quen thuộc của dân tộc mình


Thí sính số 01 Đỗ Ngọc Anh, hiện là cán bộ điều tra tội phạm ma tuý CA Quận Đống Đa- Hà Nội nhận được câu hỏi của NSND Lan Hương: Em hiểu thế nào về Trong 2 câu ca dao “Bầu ơi thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Trả lời khá tự tin, Ngọc Anh khẳng định, câu ca dao này để nói về tinh thần đoàn kết của các dân tộc Việt Nam. Đất nước Việt Nam có 54 dân tộc anh em, tuy mỗi dân tộc có những bản sắc văn hoá riêng, nhưng cùng là con dân của đất nước Việt Nam, nên sẽ cùng chung tay phát triển đất nước Việt Nam, đúng như như Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

Thí sinh số Nông Vân Anh, 18 tuổi, dân tộc Tày, đến từ Hà Giang đã giới thiệu về quê hương mình, huyện Bắc Mê, Hà Giang: “Đến Bắc Mê bạn sẽ được chiêm ngưỡng những di tích lịch sử, danh lam thắng cảm như di tích Lòng Hồ. Hãy một lần đến Bắc Mê để cảm nhận hết cái đẹp nơi đây!”.

Cô gái dân tộc Sán Chay - Thanh Lam (SBD 23), lại có cơ hội nói lên những cảm nhận của mình về Hà Nội khi lần đầu tiên tới Hà Nội. Lâm Thanh Lam tâm sự, em rất ấn tượng với sự sầm uất, sôi động, những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử của Hà Nội. Đặc biệt, ẩm thực của Hà Nội rất phong phú, độc đáo, con người Hà Nội nồng ấm, thân thiện, mến khách.

Thí sinh Hoàng Thị Hoa, dân tộc Tày


Độc đáo và khá nổi bật là cặp chị em sinh đôi Trần Nữ Vương Linh và Trần Nữ Thạch Linh, đến từ Hà Nội (SBD 27, SBD 29). Hiện, hai chị em song sinh này đang là sinh viên Học viện Báo chí và tuyên truyền. Trần Nữ Vương Linh nhận được câu hỏi về lý do phải bảo tồn văn hoá dân tộc. Cô đã chinh phục được BGK bằng câu trả lời khá thông minh: “Văn hoá của một quốc gia quan trọng như tâm hồn của con người, nếu con người đó không còn tâm hồn thì giống như một cơ thể mất đi sức sống, không còn tồn tại.”.

Còn cô em Trần Nữ Thạch Linh, với câu hỏi về chiếc áo dài của Việt Nam, cô em đã thể hiện rất hay một đoạn trong ca khúc “Một thoáng quê hương”: “Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó, em ơi”. Trần Nữ Thạch Linh cũng rất đáng yêu khi trả lời câu hỏi cả Hoa hậu Diệu Hương rằng: liệu em muốn em hay chị gái lọt vào vòng chung kết: “Khi biết cả hai chị em cùng lọt vào vòng bán kết, bạn bè có nói rằng hai chị em giờ đã là hai đối thủ. Nhưng em vẫn luôn nghĩ hai chị em là bạn đồng hành với nhau, bởi chúng em đã đồng hành từ trong bụng mẹ tới bây giờ”.

* Trổ tài hát và múa

Trong phần thi ứng xử, BGK cũng biến hóa trong các câu hỏi dành cho thí sinh. Để các thí sinh bộc lộ rõ nét nhất cá tính và khoe nét đẹp dân tộc mình, BGK hay đưa thêm câu hỏi phụ như yêu cầu thí sinh hát một câu hát trong làn điệu dân tộc mình, hay những điệu múa, điệu xòe đặc trưng. Rất nhiều thí sinh đã tự tin thể hiện những làn điệu dân ca đặc trưng của dân tộc mình ngay trên sân khấu.

Thí sinh Chương Thị Hoa dân tộc H'Mông trả lời câu hỏi một cách chân thật và hồn nhiên


Cô gái Sầm Xuân Ngọc Ánh, dân tộc Sán Chay, SBD 04, chinh phục khán giả với lời giới thiệu về những nét văn hoá đặc trưng, về điệu Sình ca đặc sắc của dân tộc Sán Chay. Thí sinh Nguyễn Thị Dương (SBD 08), dân tộc Mường thì tâm sự: “Hoà Bình, mảnh đất có nhiều làn điệu dân ca đặc sắc đã thể hiện một bài hát ru thật ngọt ngào, bởi như Dương tâm sự, ngay từ khi sinh ra đã được bà và mẹ ru vào giấc ngủ, và lời ru cũng đã theo cùng em trong những bước lớn khôn”… Diệp Hà, dân tộc Thái, đến từ Sơn La, SBD 13 lại thể hiện một làn điệu xoè trên sân khấu: “Điệu xoè, điệu xoè có từ bao giờ, mà vẫn mê say như thuở nào?… Chân đi ngập ngừng mà tim bối rối…”.

Thí sinh SBD 15, Hà Thị Hằng, dân tộc Thái, cũng đến từ Sơn La, lại rất tự tin khi thể hiện bài hát “Inh lả ơi” và xoè điệu xoè của dân tộc Thái trên sân khấu, nhận được những tràng vỗ tay nồng nhiệt của ban giám khảo và các khán giả. Thí sinh Bàn Thị Phương, SBD 39, dân tộc Dao đến từ Bắc Cạn lại thể hiện bài hát ru bằng tiếng Dao rất chuẩn. Phương cũng rất tự tin khi khẳng định “Em hài lòng nhất về nụ cười của mình, nụ cười chính là cách để em giao tiếp với mọi người”. Và thí sinh số 09, Triệu Thị Hà, dân tộc Nùng, đến từ Cao Bằng, đã thể hiện một làn điệu của dân tộc Nùng.

Ngoài phần trả lời câu hỏi các thí sinh còn tự tin biểu diễn điệu múa, câu hát của dân tộc mình khi được BGK yêu cầu


Một trong những cơ hội mà BGK mang tới cho thí sinh là giới thiệu về trang phục dân tộc mình. Thí sinh SBD 16, Hoàng Thị Hiền, dân tộc Dao, chinh phục khán giả bằng bộ trang phục rất cầu kỳ, đặc sắc của mình. Hiền cho biết, bộ trang phục của dân tộc Dao gồm quần dài và áo, thân áo màu đỏ, trên đầu là chiếc khăn quấn đầu và trang trí cho khuôn mặt của người con gái trước khi lấy chồng.

Thí sinh SBD 28, Mùng Thuỳ Linh, dân tộc Lô Lô lại có cách thể hiện trang phục dân tộc rất đặc sắc. Là nhánh Lô Lô đen nhưng Mùng Thuỳ Linh lại quyết định chọn bộ trang phục của nhánh Lô Lô hoa, để thể hiện sự đoàn kết gắn bó giữa các nhánh Lô Lô với nhau, không có sự phân biệt. Thí sinh này cũng thể hiện động tác sàng sảy của dân tộc Lô Lô trên sân khấu.

Bà Kim Hồng, Trưởng BTC cuộc thi cùng các thí sinh bình chọn cho vịnh Hạ Long


Thí sinh số 42, Lê Thị Như Quỳnh, dân tộc Mường đến từ Thanh Hoa đã khẳng định, cùng là dân tộc Mường, nhưng bộ trang phục dân tộc của người Mường ở quê Quỳnh cũng rất khác biệt với người Mường ở các nơi khác. Bộ trang phục của người Mường ở Thanh Hoá có những hoa văn rất riêng, những hoa văn này tượng trưng cho sự giàu sang, ví như hình thêu rồng trên thắt lưng.

51 thí sinh đã trải qua phần thi trong suốt buổi sáng. Theo nhận định của các vị giám khảo, chất lượng thí sinh năm nay khá đồng đều cả về ngoại hình lẫn khả năng giao tiếp, xứng xử. Giám khảo NTK Hà Linh Thư cho biết: “Nhìn chung phần thi ứng xử tốt, thí sinh ứng xử rất thú vị. Tôi rất bất ngờ trước sự trong sáng, chân thành của các em, khiến cuộc thi thật sự gần gũi, không còn cảm giác khoảng cách giữa giám khảo và thí sinh. Các thí sinh đã thực sự là những “đại sứ” đại diện của dân tộc mình, làm cho mọi người hiểu biết nhiều hơn về văn hoá của các dân tộc”.

51 thí sinh dự thi vòng Bán kết khu vực phía Bắc


Giám khảo Nguyễn Thị Thu Hà, Á hậu I- Hoa hậu Quý bà Việt Nam cũng tỏ ra phấn khởi, không khí phần thi ứng xử rất thoải mái, ban giám khảo chúng tôi xác định phần thi ứng xử này cũng chính là một cuộc giao lưu và khuyến khích các em phát huy khả năng của mình.

Tiến sĩ Đoàn Thị Kim Hồng, trưởng BTC cuộc nhận định chung sau phần thi ứng xử, 51 thí sinh đến từ 12 dân tộc đều rất đẹp, hồn nhiên, mộc mạc, dễ thương, tuy nhiên các em cần rèn luyện để trau dồi kiến thức của mình, xứng đáng là những “đại sứ” giới thiệu về văn hoá, truyền thống của dân tộc mình, những nét đặc sắc của du lịch của quê hương mình.

Kết thúc phần thi, Ban chỉ đạo, BTC, BGK và toàn thể thí sinh đã tham gia bầu chọn cho Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên mới của Thế giới. Ngày 4/11 tới, BTC sẽ công bố danh sách thí sinh khu vực phía Bắc lọt vào Vòng chung kết toàn quốc diễn ra tại TP Hồ Chí Minh diễn ra từ ngày 26/11 – 11/12 tới.

Hoàng Lân