Không gian không thể đánh mất

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:34, 02/11/2011

(HNM) - Công viên Thống Nhất cùng với khu vườn cây trong Phủ Chủ tịch và vườn Bách Thảo Hà Nội là ba thảm cây xanh lớn nhất, có ý nghĩa rất quan trọng đối với môi trường của Hà Nội.

Một góc Công viên Thống Nhất.


Không gian hy vọng

Công viên Thống Nhất là nơi thấm đẫm bao mồ hôi của hàng vạn nhân dân Thủ đô đã bỏ ra rất nhiều công sức để xây dựng nên, theo lời kêu gọi phát động của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những năm 1960. Nơi đây còn lưu giữ cây đa do Bác Hồ trồng. Rất nhiều vị lãnh đạo của Việt Nam và một số nước trên thế giới đã từng đến đây để trồng cây lưu niệm. Đó là những dấu ấn lịch sử một thời của Hà Nội hào hùng, Hà Nội vươn lên trong khói lửa của chiến tranh, Hà Nội khát khao hòa bình và thống nhất đất nước.

Công viên Thống Nhất tọa lạc tại địa chỉ 354 Lê Duẩn, quận Đống Đa, Hà Nội, nằm giữa bốn phố Trần Nhân Tông, Lê Duẩn, Đại Cồ Việt và Nguyễn Đình Chiểu, có diện tích trên 50 hécta. Nơi đây xưa kia vốn là vùng đầm hồ và bãi rác, phía Đông là đất các làng cổ Vân Hồ, Thể Giao và Thiền Quang; phía Bắc là làng Thiền Quang, Pháp Hoa, Quang Hoa, Liên Thủy; phía Tây là làng Liên Thủy, Kim Liên (hồ Bảy Mẫu là của làng Kim Liên); phía Nam là làng Phúc Lâm Tiêu và Vân Hồ. Năm 1958, Hà Nội quyết định xây dựng nơi đây thành công viên để làm chốn vui chơi giải trí cho đồng bào Thủ đô. Hàng ngàn sinh viên và người dân đã đóng góp hàng chục ngàn ngày công lao động, xây nên công viên với hai hồ nước lớn và hai hòn đảo nhỏ. Năm 1960, Công viên bắt đầu đón khách. Nhân dịp này, Bác Hồ kêu gọi toàn dân hưởng ứng một tháng trồng cây từ ngày mồng 6 tháng Giêng đến mồng 6 tháng Hai, chào mừng 30 năm Ngày thành lập Đảng. Trong tháng ấy, Bác yêu cầu mỗi người trồng ít nhất một cây xanh. Ngày 11 tháng Giêng năm ấy, Bác đã tự tay trồng cây đa trong Công viên Thống Nhất. Ngày 30-5-1961, công viên chính thức khánh thành và mang tên Công viên Thống Nhất với niềm hy vọng sớm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 110 Ngày sinh của Lenin, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân thế giới, Công viên Thống Nhất được đổi tên thành Công viên Lenin (ngày 19-4-1980). Đến tháng 5-2003, Công viên Chi Lăng nơi có tượng Lenin đổi thành Công viên Lenin. Vào tháng 10-2003, UBND TP Hà Nội quyết định chuyển lại tên Công viên Thống Nhất như ban đầu. Công viên có hai cửa lớn mở ra phố Trần Nhân Tông và đường Lê Duẩn. Công viên Thống Nhất có nhiều bồn hoa bốn mùa khoe sắc, có những hàng thùy liễu mượt mà, những cây thông suốt năm xanh thắm và nhiều loài cây ăn trái. Đây là điểm vui chơi giải trí của người dân Thủ đô. Công viên có một khu giải trí riêng cho thiếu nhi với đu quay chạy điện, máy bay trên khung sắt và nhà gương biến dạng hấp dẫn. Với thanh niên thì ở khắp lối dọc, đường ngang có những dãy ghế đá nép mình bên vòm hoa, tiện cho việc chuyện trò, tâm sự. Hồ Bảy Mẫu nằm trong công viên hữu tình, nên thơ cho nam thanh nữ tú thỏa sức bơi thuyền ngược xuôi. Trong công viên còn có cả khu trồng phong lan với hàng trăm chủng loại lan và nhiều loại cây nào là cây cảnh, cây thế... cùng những bể lớn, bể nhỏ với nhiều loại cá đẹp, lạ mắt. Công viên còn có khu đảo Hòa Bình nằm giữa hồ, là nơi yên tĩnh, thích hợp cho các cụ già đến luyện tập, thư giãn.

Ước mơ không xa

Đáng buồn là hiện nay Công viên Thống Nhất chưa được chỉnh trang cải tạo, nâng cấp cho xứng tầm với Thủ đô văn minh, hiện đại, nếu cứ để việc quản lý, khai thác công viên như hiện nay, quả là một sự lãng phí lớn. Nhân dân Hà Nội rất hoan nghênh tinh thần cầu thị của chính quyền thành phố và sau nhiều năm tranh luận, UBND TP Hà Nội đã tìm được hướng đi mới cho việc cải tạo Công viên Thống Nhất. Mùa hè năm nay, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu toàn cầu hóa - Đại học Hawaii (Mỹ) và Trung tâm Hỗ trợ phát triển cộng đồng Lạc Việt cùng phối hợp tổ chức cuộc thi thiết kế công viên, dành cho kiến trúc sư và các nhà quy hoạch đô thị trên khắp cả nước. Các đề án phải thể hiện được quá trình nghiên cứu của nhóm tác giả về lịch sử công viên, cũng như những yếu tố ảnh hưởng tới các nỗ lực trước đây trong việc cải tạo không gian này. Bản kế hoạch cũng phải đưa ra được ý tưởng thiết kế, cải tạo công viên do người dân và những người quản lý đóng góp, đồng thời đưa ra được chiến lược nhằm gây quỹ từ cộng đồng, các đơn vị tài trợ và chính quyền. Giáo sư - Tiến sĩ C.Michael Douglass (ĐH Hawaii) từng phát biểu: "Thống Nhất là một trong số ít các công viên trên thế giới được xây dựng bởi chính người dân. Vì vậy, giá trị văn hóa của công viên giống như một biểu tượng cho sự gắn kết chung giữa người dân với Hà Nội".

Việc quy hoạch được thành phố, các sở, ban, ngành phê duyệt theo đúng quy trình pháp luật quy định, chỉ cho phép sử dụng mật độ xây dựng là 10%, đúng với quy chuẩn của Bộ Xây dựng ban hành, để làm sao công viên thực sự là một vườn hoa, cây xanh khổng lồ. Hệ thống cấp thoát nước cần có quy trình xử lý khoa học, có vậy mới cải tạo được nguồn nước đang từng ngày bị ô nhiễm nặng. Các kiến trúc sư và nhà quy hoạch đô thị cần tập trung tham gia thiết kế cải tạo Công viên Thống Nhất, nhưng vẫn phải bảo đảm giữ lại được không gian xanh, mở, thư giãn cho người dân. Còn quy hoạch, mô hình của công viên sẽ như thế nào, chủ đầu tư phải trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đông đảo tầng lớp nhân dân đóng góp; cần công khai hóa, minh bạch tất cả để mọi người thấy được thực sự việc đầu tư xây dựng cải tạo công viên như thế nào.

Người dân Thủ đô đang mong có một Công viên Thống Nhất - một chốn thần tiên cho trẻ em, một chốn thanh bình của người già và là thiên đường của những đôi lứa đang yêu. Công viên Thống Nhất sẽ là một tác phẩm nghệ thuật thiên nhiên giữa lòng Hà Nội - Thủ đô yêu dấu của chúng ta. Không biết giấc mơ đó có quá xa vời?.

Minh Nguyệt