Cơn khát đe dọa toàn cầu
Thế giới - Ngày đăng : 06:31, 02/11/2011
Bộ Môi trường và Tài nguyên Mexico (SMARNAT) vừa cho biết, gần 50% diện tích lãnh thổ của quốc gia Bắc Mỹ này đang phải gánh chịu cơn hạn hán dài nhất trong vòng 40 năm qua. Trong đó, 10 bang miền Bắc là nơi dẫn đầu toàn quốc về sản lượng ngô, đậu và cà chua đã thất bát nặng vì thiếu nước.
Các hồ chứa nước ở Mexico đang cạn dần vì hạn hán. |
Theo Bộ trưởng Môi trường và Tài nguyên Juan Elvira, nạn hạn hán kéo dài tại Mexico đã khiến 400.000ha đất nông nghiệp bị sa mạc hóa. Trong 5 năm qua, 5 bang ở miền Bắc đã thất thu 2 triệu tấn lương thực, đưa số người thiếu đói trên cả nước lên tới 12 triệu và an toàn lương thực quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng. Trước tình hình đó, Hạ viện Liên bang đã thông qua khoản cứu trợ khẩn cấp trên 70 triệu USD đầu tư cho các dự án thủy lợi tại các vùng chuyên canh lương thực và chăn nuôi. Chính quyền các bang bị thiệt hại nghiêm trọng là Sonora, Chihuahua, Nuevo Leon, Tamaulipas, Zacatecas và Durango cũng đã đề xuất một khoản trợ cấp tương đương 76 triệu USD nhằm khôi phục hệ sinh thái ban đầu trên lãnh thổ...
Hạn hán tại đất nước Bắc Mỹ này đã xuất hiện liên tục từ vài năm nay. Và không chỉ riêng Mexico, nước láng giềng Mỹ cũng vừa trải qua những thời khắc khô hạn hơn bất kỳ năm kỷ lục nào. Tháng 7 vừa qua, ở miền Nam nước Mỹ, 14 bang đã bị "hun trong lò", từ Arizona - nơi phải chiến đấu với các vụ cháy lớn nhất trong lịch sử - đến Florida, nơi có 200.000ha đất bị phá hủy trong các đám cháy. Texas, Los Angeles và New Mexico cũng bị hạn hán làm cho điêu đứng.
Rõ ràng lũ lụt, động đất, sóng thần, lốc xoáy và các thảm họa thời tiết khác đã đem đến sự hủy diệt kinh khủng ở nhiều nơi trên Trái đất trong năm 2011 mà cơn hồng thủy đang diễn ra tại Bangkok là một ví dụ. Nhưng tất cả xem ra mới chỉ là khởi đầu một giai đoạn đáng nhớ về thời tiết xấu. Một nghiên cứu gần đây của nhà khoa học Aiguo Dai thuộc Trung tâm Nghiên cứu khí quyển quốc gia Mỹ cho biết, Mỹ, Mexico và nhiều nước đông dân khác trên thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ hạn hán nghiêm trọng và dai dẳng trong những thập kỷ tới. Không như động đất, bão hay các thảm họa khác đến rồi đi rất nhanh, hạn hán tiềm ẩn nguy cơ và trở thành vấn đề thường trực ở nhiều nơi. Những phân tích chi tiết của nhà khoa học Mỹ cho hay, nhiệt độ ấm dần lên cùng biến đổi khí hậu sẽ tạo tình trạng khô hạn ngày càng tăng tại nhiều nơi trên toàn cầu trong 30 năm tới và đến cuối thế kỷ này, một số khu vực có thể lâm vào khô hạn chưa từng có trong lịch sử đương đại.
Nghiên cứu trên cũng chỉ ra rằng, phần lớn khu vực miền Tây nước Mỹ, chiếm 2/3 diện tích xứ Cờ hoa, sẽ khô hạn đáng kể trong những năm 2030 và một diện tích lớn ở Mỹ có thể đối mặt với nguy cơ hạn hán cực kỳ nghiêm trọng trong thế kỷ này. Những nước và lục địa khác cũng có thể đối mặt với khô hạn đáng kể như Mỹ Latin (gồm phần lớn ở Mexico và Brazil) và các khu vực tiếp giáp Biển Địa Trung Hải, một phần diện tích lớn ở Đông Nam Á, phần lớn châu Phi và Australia... Một nguyên nhân khác dẫn tới hạn hán là do dân số tăng khiến gánh nặng cung cấp nước tăng. Ở Perth, thành phố miền Tây Australia, dân số đã vượt 1,7 triệu người trong khi lượng mưa giảm. Giới chức thành phố đang lo ngại rằng nếu không có những biện pháp mạnh, Perth sẽ trở thành "thành phố chết" (thuật ngữ chỉ khu đô thị hiện đại bị bỏ hoang vì thiếu nước) đầu tiên của thế giới. Số phận tương tự đang chờ các thành phố của Mỹ có nguy cơ bị sa mạc hóa như Las Vegas, Phoenix hay Los Angeles.
Phản ứng truyền thống của con người trước khô hạn là xây dựng các công trình chứa nước như đập, đường ống, cống dẫn nước và các con đê... Tuy nhiên, những dự án thay đổi nguồn nước rất tốn kém, không hiệu quả và không thân thiện với môi trường, thậm chí về lâu dài còn đem lại hậu quả nghiêm trọng như thủ đô Bangkok của Thái Lan đang phải hứng chịu. Nhiều dự báo cho thấy nhu cầu về nước toàn cầu sẽ tăng lên 2/3 vào năm 2025 và Liên hợp quốc đang lo ngại một cuộc khủng hoảng nước như một cơn khát lớn trên phạm vi toàn cầu. Để chặn trước hạn hán, không gì thiết thực hơn là mỗi người chúng ta phải xác định lại cách nghĩ, đánh giá và sử dụng nước như một tài sản không thể thay thế của nhân loại.