Còn “hở”, còn “lách”
Văn hóa - Ngày đăng : 06:21, 02/11/2011
Chương trình “Giọt sương thu” vốn dĩ chỉ có 16 ca khúc được cấp phép nhưng trong thực tế có tới 20 ca khúc được trình bày. Ảnh: Ngân Hạ |
"Mánh" của nhà tổ chức
Vấn đề vi phạm bản quyền, biểu diễn những tác phẩm chưa được cấp phép, "treo đầu dê bán thịt chó", quảng cáo một đằng biểu diễn một nẻo, cố tình sử dụng những ca khúc nằm ngoài danh mục cấp phép… diễn ra hàng chục năm nay, ngày càng tinh vi và ngang nhiên hơn. Sự vi phạm không chỉ diễn ra ở các đoàn diễn nhỏ mà xảy ra ngày một nhiều tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Vũng Tàu… Có nghĩa "dịch" đã lan ra toàn quốc.
Một số đơn vị tổ chức biểu diễn, ông bầu khá "cao tay" trong việc lách luật. Cơ quan quản lý cấp phép (ở đây là các sở VH,TT&DL tỉnh, thành phố) kiểm tra những ca khúc được trình lên bằng văn bản, không phải lúc nào cũng có điều kiện xem trực tiếp từ đầu tới cuối nên có lúc sơ hở trong khâu kiểm duyệt. Nhận thấy sơ hở này, phía tổ chức giở chiêu trò, tự ý thêm thắt, thay đổi tiết mục trong chương trình đã được cấp phép. Thế nên mới có chuyện cơ quan quản lý ngã ngửa khi xem "Giọt sương thu" - diễn ra vào ngày 23-10-2011 - vốn dĩ chỉ có 16 ca khúc được cấp phép nhưng trong thực tế có tới 20 ca khúc được trình bày. Đó là chưa kể trong chương trình này còn có sự nhập nhèm trong việc trả tác quyền.
Trong thực tế, không chỉ có Công ty TNHH Bích Ngọc vi phạm trong thời gian gần đây, việc đơn vị tổ chức biểu diễn tự ý thay đổi nội dung đã được cấp phép diễn ra khá phổ biến. Chương trình "Qua cơn mê", diễn ra vào ngày 30-7-2011 tại Hà Nội, do Công ty TNHH Hãng phim Á Châu tổ chức cũng không trả đầy đủ tiền tác quyền cho các tác giả có bài hát sử dụng trong chương trình. Chương trình "Xiếc mới", diễn ra vào ngày 21-10 bị cho là hành vi lừa đảo để lấy tiền của phụ huynh học sinh, gây bất bình cho người dân thị trấn Trâu Quỳ, Hà Nội. Chương trình này do Công ty TNHH Sơn Hiếu tổ chức, đã được Sở VH,TT&DL cấp phép biểu diễn nhưng với nội dung không phải là xiếc mà là chương trình ca nhạc "Giai điệu xanh". "Treo đầu dê bán thịt chó" là thế mà trừ trẻ em được miễn phí, phụ huynh phải trả 50.000 đồng/vé vào cửa, 10.000 đồng/ ghế ngồi.
Nỗi khổ quản lý
Chiều qua, 1-11, ông Nguyễn Quốc Chiêm, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội cho biết, khi cấp phép cho các chương trình biểu diễn, Sở xem xét rất kỹ về nội dung, chất lượng nghệ thuật cũng như danh mục bài hát có nằm trong phạm vi được phép phổ biến hay không rồi mới cấp phép. Tuy nhiên, nếu các đơn vị tổ chức cố tình vi phạm thì việc quản lý rất khó khăn, dù Sở có muốn cử cán bộ đến xem thì cũng không thể kiểm tra được hết do thiếu cán bộ. Với những đơn vị vi phạm quá đà như Công ty TNHH Sơn Hiếu vừa qua, Sở sẽ từ chối cấp giấy phép biểu diễn lần sau. Về những vi phạm về tác quyền, ông Nguyễn Quốc Chiêm nói: Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam VCPMC đã đề nghị Sở VH,TT&DL Hà Nội khi cấp phép biểu diễn thì thu luôn tiền tác quyền, nhưng đây lại không phải công việc của Sở. Trong phạm vi quyền hạn của mình, Sở chỉ có thể đề nghị các đơn vị thực hiện đầy đủ trách nhiệm nộp tiền bản quyền mà thôi.
Về quản lý hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tổ chức biểu diễn nghệ thuật, ông Phạm Đình Thắng, Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn thừa nhận hiện có quá nhiều doanh nghiệp đăng ký chức năng tổ chức biểu diễn, chỉ tính TP Hồ Chí Minh đã có 700 đơn vị, Hà Nội có 300… nên việc quản lý gặp không ít khó khăn. Cái khó là hầu hết sai phạm xảy ra khi chương trình đã duyệt được đưa đi lưu diễn ở địa phương khác, nên đơn vị cấp phép rất khó nắm bắt vấn đề và xử lý kịp thời. Cơ quan quản lý văn hóa đang khá lúng túng trong việc quản lý các hoạt động biểu diễn, từ việc hát nhép, trang phục phản cảm của nghệ sĩ, ca từ dễ dãi cho đến việc vi phạm bản quyền... Việc quản lý đã khó, đến khi cần phải xử phạt, các cơ quan quản lý nhà nước chỉ có thể "bám" vào Nghị định số 75/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, vốn có nhiều điểm chưa theo kịp diễn biến thực tế. Với những mánh lới của các đơn vị nghệ thuật và lối làm việc thiếu tự trọng của một bộ phận nghệ sĩ muốn nổi tiếng nhờ scandal thì xem ra mức xử phạt và cách thức xử lý vi phạm như hiện nay chỉ như "gãi ngứa" mà thôi.
Cục NTBD đã tổ chức nhiều buổi thảo luận, lấy ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, đơn vị tổ chức biểu diễn nhằm hoàn chỉnh dự thảo nghị định về quản lý và tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Văn bản mới dự kiến có nhiều hạng mục quy định rõ trách nhiệm, vai trò của đơn vị quản lý, đơn vị biểu diễn, các nghệ sĩ… Hy vọng khi nghị định được ban hành, cơ quan quản lý văn hóa không còn lâm vào cảnh "hở sườn" và các ông bầu lắm chiêu không thể lách vào đâu nữa.
Lúc ấy mới mong nghệ thuật nước nhà khỏe mạnh được.