Bảo hiểm việc làm đã phù hợp với thực tế Việt Nam?
Đời sống - Ngày đăng : 20:29, 01/11/2011
Khái niệm BHVL ở Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện và đưa ra tại hội thảo về bảo hiểm việc làm trong dự thảo Luật việc làm do Tổ chức lao động quốc tế (ILO) và Bộ LĐTB&XH kết hợp với Chương trình Hợp tác ILO - Nhật bản vừa phối hợp tổ chức tại Hà Nội.
Nhìn chung, thị trường lao động nước ta chiếm đa phần là những lao động có tay nghề thấp hoặc chưa được đào tạo nghề. Do thiếu lao động được đào tạo cơ bản, có tay nghề cao nên nảy sinh tình trạng cung lao động lớn nhưng vẫn không đáp ứng được cầu lao động. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp hoặc thiếu việc làm ngày càng trầm trọng trên thị trường. Hiện tượng lao động mất việc làm hoặc thiếu việc làm đang là áp lực lớn về vấn đề giải quyết việc làm trên cả nước. Với mục đích ngăn chặn và hạn chế thất nghiệp chúng ta đã đưa ra chính sách bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2009 và đã chi trả bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 1/1/2010. Thực tế, đây là một cố gắng của Đảng và Chính phủ trong điều kiện thị trường lao động nước ta còn kém phát triển...
Qua việc thực hiện đăng ký, chi trả bảo hiểm thất nghiệp từ đó đến nay đã nảy sinh khá nhiều vấn đề như dự báo số người bảo hiểm thất nghiệp khó có độ chính xác cao; lao động làm việc trong các thành phần kinh tế khác nhau dẫn đến cách quản lý quyền lợi của người tham gia bảo hiểm thất nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các lao động ở khu vực phi chính thức; sự phối hợp chi trả bảo hiểm thất nghiệp giữa các cơ quan chức năng cũng như đối với các cơ quan xúc tiến việc làm đang còn nhiều bất cập; một số vấn đề còn gây nhiều tranh luận như thời gian, điều kiện để được hưởng bảo hiểm thất nghiệ, quản lý quỹ bảo hiểm thất nghiệp…
Để giải quyết rốt ráo các vấn đề này có một số ý kiến cho rằng nên xây dựng Luật Việc làm và Bảo hiểm Việc làm nằm trong luật này. BHVL có mục đích ngăn chặn, hạn chế thất nghiệp, thúc đẩy việc làm và phát triển đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động cũng như hỗ trợ thất nghiệp, thúc đẩy các hoạt động tìm kiếm việc làm. Loại hình BHVL là khái niệm không mới đối với quốc tế nhưng lại hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam. Dự thảo vấn đề BHVL trong Luật Việc làm lần đầu tiên được Bộ LĐ&TBXH đưa ra để lấy ý kiến đóng góp nhằm làm rõ và sâu hơn các nội dung đang được xây dựng, dự kiến luật này đến năm 2012 sẽ trình Chính phủ, Quốc hội phê duyệt. Đây là vấn đề mới nên rất cần sự tư vấn của các chuyên gia thuộc Tổ chức lao động quốc tế (ILO), nhất là các tiêu chuẩn của ILO về BHXH cũng như các kinh nghiệm quốc tế về phát triển bảo hiểm thất nghiệp, BHVL.
Theo dự thảo hình thức BHVL là loại hình bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động, người sử dụng lao động. Tuy nhiên, đối tượng tham gia sẽ rộng hơn so với bảo hiểm thất nghiệp. Đó là các công dân Việt Nam thực hiện giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ 3 năm trở lên với người sử dụng lao động; công dân Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hình thức doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu ở nước ngoài. Còn người sử dụng lao động là các đơn vị có giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia BHVL bao gồm: cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác… cơ quan tổ chức nước ngoài, quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp HTX, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn sử dụng và trả công cho người lao động. Mức BHVL được được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng và có sự chia sẻ giữa những người tham gia BHVL… Quỹ BHVL được quản lý tập trung, thống nhất, dân chủ công khai và minh bạch.
Trong chế độ BHVL có hỗ trợ duy trì việc làm, chuyển đổi việc làm, hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề và các quy định khác. Dự thảo cũng đưa ra mức đóng BHVL đối với người lao động đóng 1% tiền lương công tháng theo hợp đồng lao động, người sử dụng lao động đóng 1,5% quỹ tiền công, tiền lương tháng của những người tham gia BHVL. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công tháng của người tham gia BHVL…
Cũng như bảo hiểm thất nghiệp thì BHVL cũng đã chứa đựng 3 nội dung cơ bản nhất đó là nguồn tài chính và chế độ thu-chi, các hoạt động hỗ trợ tạo việc làm, đào tạo nghề, kỹ năng nghề để đưa người lao động trở lại thị trường lao động, các hoạt động ngăn ngừa, hạn chế tình trạng thất nghiệp. Nói cách ngắn gọn hơn đây là những quy định nhiệm vụ của Nhà nước, của người sử dụng lao động trong lĩnh vực việc làm, chống thất nghiệp và khắc phục hậu quả của nó.
BHVL là vấn đề mới cho nên rất cần có sự trao đổi kỹ lưỡng về nhiều vấn đề sao cho phù hợp với thực tế Việt Nam cũng như không xa với các công ước mà Việt Nam đã ký kết. Cho nên vấn đề có nên tách quỹ BHVL ra khỏi BHXH hay không? Đối với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động liệu có gặp khó khăn gì khi tham gia BHVL hay đối với người lao động khi phải đóng cả bảo hiểm thất nghiệp lẫn BHVL sẽ được trợ cấp như thế nào? Tình trạng nợ BHXH của các DN hiện nay sẽ ảnh hưởng như thế nào đến BHVL? Mức hỗ trợ chuyển đổi việc làm sao cho phù hợp với thực tế… Nếu BHVL được phê duyệt thì bảo hiểm thất nghiệp có cần thiết nữa hay không? Hơn nữa, chúng ta đã có Quỹ và Chương trình việc làm quốc gia cùng hệ thống các Trung tâm dịch vụ việc làm trong cả nước là đặc điểm đáng chú ý khi xây dựng BHVL.
Hiện nay, Nhật bản là nước có hệ thống an sinh xã hội vào loại tốt trên thế giới nhưng Luật Bảo hiểm việc làm của họ mới thực hiện từ ngày 1/4/1975 và họ dùng nó thay cho Luật Thất nghiệp ban hành năm 1947. Bảo hiểm việc làm của Nhật bản là một chế độ bảo hiểm bắt buộc do Chính phủ quản lý liên quan đến việc làm một cách toàn diện, cung cấp các phúc lợi xã hội, các dịch vụ ổn định việc làm, phát triển nguồn nhân lực: Phát triển, trau dồi năng lực cho người lao động bằng việc xây dựng và quản lý các cơ sở đào tạo; Phúc lợi xã hội cho người lao động: Tư vấn, dịch vụ hỗ trợ tìm việc làm, tuyển dụng...
Qua các ý kiến trao đổi từ một số chuyên gia trong nước cũng như kinh nghiệm của các nước cho thấy, việc xây dựng BHVL trong Luật Việc làm là một đòi hỏi khách quan đối với nước ta. Hy vọng Bộ LĐTB&XH sẽ nghiên cứu sửa đổi dự thảo, để Luật Việc làm sớm được hoàn thiện và phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng theo chủ nghĩa xã hội…