Đột phá của nghệ thuật múa

Văn hóa - Ngày đăng : 07:00, 01/11/2011

(HNM) - Là tác phẩm hưởng ứng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", tổ khúc thơ múa "Con đường từ trái tim" (Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam và Nhà hát Ca múa nhạc quân đội dàn dựng) vừa ra mắt khán giả, cho thấy bước đột phá của nghệ thuật múa nước nhà.

Một cảnh trong tổ khúc thơ múa “Con đường từ trái tim”.

Tổ khúc thơ múa khác với kịch múa bởi tác phẩm không có nhân vật chính - phụ, mà là những mảng miếng được kết nối theo một chủ đề xuyên suốt. Ở "Con đường từ trái tim", tác phẩm mở ra 5 không gian, với nội dung, tuyến nhân vật khác nhau. Chương 1, "Bất khuất" là hình ảnh những chiến sĩ cộng sản trong xà lim tăm tối vẫn tràn đầy nhiệt huyết, sẻ chia để cùng vượt qua gian khổ. Chương 2, "Chia tay Hà Nội" khắc họa đôi trai gái Hà thành và bạn bè tạm gác tình yêu lãng mạn để lên đường chiến đấu theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chương 3, "Trường Sơn nhớ Bác" có anh lính trẻ tài hoa thổi sáo dưới trăng. Dẫu có bao khó khăn, mất mát, người lính vẫn lạc quan, yêu đời, hùng dũng ra chiến trường. Chương 4, "Tiếng gọi" là tiếng đất nước, tiếng tổ tiên từ ngàn xưa vọng về như lời hiệu triệu, đánh thức triệu trái tim đồng hành theo lời dạy của Bác Hồ vĩ đại. Màn cuối về thế hệ Hồ Chí Minh với dàn hợp xướng và sự xuất hiện của toàn bộ diễn viên vào vai sinh viên, trí thức, bộ đội, công nhân, doanh nhân… là lời khẳng định tuyệt vời, rằng những chủ nhân trẻ của đất nước đang vững bước vào tương lai theo con đường của Bác.

Phần không thể thiếu trong tác phẩm là thơ, nhạc do nhóm nhạc sĩ NSƯT Đặng Hùng, NSƯT Nguyễn Tiến, Nguyễn Tuấn Phương, Trần Quốc Đạt ngồi lại cùng nhau lựa chọn, biên tập những vần thơ, câu hát ca ngợi Bác và quê hương đất nước. Mang đến bất ngờ trong tác phẩm chính là khâu thiết kế ánh sáng, hình ảnh video clip làm phông nền, tạo hiệu ứng mới lạ, sinh động cho mỗi màn múa. Những đạo cụ quen thuộc như tre trúc, đàn bầu, sáo, cành cọ, hoa sen... được thiết kế khá bắt mắt, tạo sức hút đáng kể. Các nhóm dàn dựng phối hợp nhịp nhàng, khán giả có cảm giác trước mặt họ là những nghệ sĩ toàn năng vừa biết múa, vừa hát, chơi đàn, sáo...

Nhóm NSND Phạm Anh Phương, NSƯT Trần Xuân Thanh, Tuấn Ngọc, Bích Lan, Công Hải mỗi người phụ trách biên đạo múa một chương. Các biên đạo đã khéo kết hợp ngôn ngữ múa ba lê cổ điển, dân gian và ngôn ngữ múa hiện đại, tạo những màn biến tấu đặc sắc, đem lại cảm xúc nghệ thuật đỉnh cao. Theo NSND Phạm Anh Phương nhận xét, "Một tác phẩm lớn, một sàn diễn nhiều "đất" cho các nghệ sĩ múa bộc lộ năng lực chuyên môn, kỹ thuật của mình".

Yên Nga