Phải sửa luật
Đời sống - Ngày đăng : 06:58, 01/11/2011
Bộ luật Lao động quy định, việc đình công phải được thực hiện theo quy trình lấy ý kiến của tập thể NLĐ trước khi tổ chức đình công và ban chấp hành CĐ cơ sở hoặc người đại diện đứng ra tổ chức đình công.
Công nhân làm việc ở một doanh nghiệp da giày. Ảnh: Phương An
Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các cuộc đình công đều tự phát. Cuộc đình công diễn ra ngày 6-10 vừa qua tại Công ty May mặc ITG - Phong Phú ở KCN Hòa Khánh, TP Đà Nẵng, với hàng trăm lao động đại diện cho khoảng 1.600 công nhân tham gia là điển hình. Với mức lương chỉ trên dưới 2 triệu đồng/tháng, họ đã phải làm thêm từ 4 đến 6 giờ/ngày mà vẫn không đủ mức sống tối thiểu. Thêm vào đó, chế độ ăn uống không được bảo đảm về dinh dưỡng; chưa có chế độ ưu tiên, hỗ trợ cho người mang thai theo quy định hiện hành đã khiến công nhân ở đây bảo nhau đình công. Hoặc vụ đình công ngày 19-10 mới đây tại Công ty liên doanh Giày da Chí Hùng, tỉnh Bình Dương, hơn 6.000 công nhân tự nguyện tham gia đòi chủ DN áp dụng mức lương điều chỉnh theo quyết định của Nghị định 70 của Chính phủ đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1-10 vừa qua và tăng chế độ phụ cấp, tiền làm thêm.
Lý do các cuộc đình công không theo luật được xác định do quy định của luật đang bị "vênh" với thực tế khiến cho luật không thể đi vào cuộc sống. Ông Đặng Minh Thuần, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội lý giải, luật chỉ quy định ban chấp hành CĐ cơ sở hoặc người đại diện cho NLĐ có nhiệm vụ lấy ý kiến của tập thể NLĐ và tổ chức việc đình công. Điều này trên thực tế rất khó thực thi, vì tất cả cán bộ CĐ cơ sở và người đại diện đều "ăn" lương của chủ DN, thì họ không thể và không dám tổ chức đình công. Khi đó NLĐ không còn chỗ dựa, họ buộc phải chọn giải pháp đình công trái luật, miễn là để đấu tranh đòi lợi ích.
Nhiều giải pháp cho một vấn đề
Làm thế nào để thu hẹp độ "vênh" của luật với thực tiễn và để luật thực sự đi vào cuộc sống không chỉ là băn khoăn, trăn trở của tổ chức CĐ, mà còn là mong mỏi của NLĐ. Ông Đặng Huy Thọ, Chủ tịch CĐ ngành Xây dựng Hà Nội cho rằng, vai trò của CĐ - đại diện duy nhất cho NLĐ chưa được phát huy cũng "đẩy" NLĐ đến cảnh đình công trái luật. Một là do CĐ cơ sở yếu kém, không đủ trình độ nghiệp vụ và khả năng tổ chức. Hai là, CĐ cấp trên chưa sâu sát, kịp thời tham gia giải quyết bức xúc của NLĐ. Do vậy, giải pháp là, cán bộ CĐ cấp trên cơ sở phải thường xuyên "bám" cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, khi phát hiện có dấu hiệu đình công, CĐ chủ động "lôi kéo" DN vào cuộc, kịp thời tháo gỡ. Việc này nhất thiết cần có sự tham gia của CĐ cấp trên cơ sở để giải quyết tận gốc vấn đề. Với cách làm này, nhiều năm qua trong CĐ ngành không có đình công.
Thực tế còn cho thấy, vướng mắc ở chỗ thẩm quyền đầu tiên khi giải quyết tranh chấp lao động tập thể thuộc về hòa giải viên lao động cấp huyện. Điều này rõ ràng đã triệt tiêu vai trò của cơ sở, trong đó có CĐ cơ sở. Giải quyết vấn đề này, nhiều cán bộ CĐ nêu giải pháp và mong muốn Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi một cách căn bản, toàn diện về luật liên quan đến đình công. Cụ thể, cần xác định khái niệm tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích một cách đầy đủ, khoa học, để đưa ra được quy trình giải quyết một cách sát thực tế nhất. Trong thực tiễn, có nhiều cuộc tranh chấp lao động tập thể gồm cả tranh chấp về quyền và tranh chấp về lợi ích đan xen nhau, vì vậy cũng cần xây dựng quy trình giải quyết cho loại tranh chấp lao động tập thể này. Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị, cần thành lập hội đồng hòa giải trung gian thay cho hòa giải viên cấp huyện và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng hòa giải trung gian một cách linh hoạt, sao cho hội đồng này có thể giải quyết các tranh chấp lao động đang phát sinh tại DN.