Đề nghị kết thúc dự án trồng mới 5 triệu hécta rừng

Kinh tế - Ngày đăng : 06:51, 01/11/2011

(HNM) - Sáng 31-10, Quốc hội đã nghe báo cáo tổng kết Dự án trồng mới 5 triệu hécta rừng của Chính phủ và báo cáo thẩm tra việc thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu hécta rừng của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.


Theo báo cáo thẩm tra việc thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu hécta rừng của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đánh giá, diện tích rừng được bảo vệ đạt 2,4 triệu hécta, độ che phủ rừng tăng từ 32% (năm 1998) lên 39,5% (năm 2010); giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng từ 2.310 tỷ đồng (năm 2005) lên 7.356 tỷ đồng (năm 2010). Tuy nhiên, từ mục tiêu trồng mới 5 triệu hécta rừng được điều chỉnh chỉ trồng mới 3 triệu hécta, giảm 40%; công tác lập quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch đất lâm nghiệp và 3 loại rừng còn chậm, không ổn định. Việc giao đất, giao rừng chưa tốt, tỷ lệ đạt thấp, chỉ chiếm 61% tổng diện tích đất lâm nghiệp; trong đó sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư chưa tương xứng.

Việc cho thuê đất lâm nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài còn bất cập, gây bức xúc dư luận. Hiện tổng diện tích đất lâm nghiệp đã cấp giấy chứng nhận cho nhà đầu tư nước ngoài là 288.974ha. Giá thuê đất quá thấp, bình quân 180.000 đồng/hécta, trong khi người dân địa phương vẫn có nhu cầu nhận đất trồng rừng. Thậm chí, có địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư ở địa bàn trọng điểm an ninh quốc phòng… Vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang trồng lúa, cây công nghiệp, thủy điện… gây nhiều bức xúc, chưa có giải pháp xử lý. Từ thực tế trên, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội cho phép kết thúc dự án trồng mới 5 triệu hécta rừng và trong giai đoạn 2011-2020 triển khai thực hiện việc bảo vệ và phát triển rừng theo cơ chế Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo vệ và phát triển rừng. Trong giai đoạn 2011-2015, Chính phủ dự kiến khoanh nuôi, tái sinh 550.000ha rừng; trồng mới 1.250.000ha rừng, trong đó có 150.000ha rừng phòng hộ, đặc dụng; giai đoạn 2016-2020, dự kiến khoanh nuôi, tái sinh 400.000ha; trồng mới 1.350.000ha, trong đó có 100.000ha rừng phòng hộ, đặc dụng.

Cũng trong buổi sáng, Quốc hội đã nghe và thảo luận dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012. Theo tờ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội tập trung vào một số hoạt động chính là xem xét báo cáo của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật, hoạt động chất vấn và giám sát chuyên đề. Về số lượng chuyên đề giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại kỳ họp trong năm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 3 chuyên đề tại các phiên họp trong năm; Hội đồng Dân tộc giám sát 2-3 chuyên đề, các ủy ban của Quốc hội giám sát 1-2 chuyên đề. Về lựa chọn nội dung chuyên đề giám sát, Ủy ban Thường vụ đề nghị Quốc hội quyết định 2 trong 3 nội dung để tiến hành giám sát tại kỳ họp trong năm 2012 là việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân; việc thực hiện chính sách, pháp luật giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai trong lĩnh vực hành chính; việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Buổi chiều cùng ngày, QH thảo luận ở tổ về các chương trình mục tiêu quốc gia và việc sử dụng vốn trái phiếu, ĐB Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ đánh giá lại hiệu quả các chương trình mục tiêu đã triển khai trong thời gian qua và giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư đánh giá tổng thể chương trình nào hiệu quả, chương trình nào chưa hiệu quả báo cáo ĐB Quốc hội. ĐB cũng đề nghị lồng ghép các chương trình cùng một lĩnh vực, xác định trọng tâm, trọng điểm để tập trung đầu tư, tránh dàn trải.

Khánh Khoa