Gốm sứ Trung Quốc 'đổ bộ' chợ làng nghề Bát Tràng

Kinh tế - Ngày đăng : 15:47, 31/10/2011

Ca cốc đủ màu sắc, móc chìa khóa với nhiều mẫu mã bắt mắt có xuất xứ từ Trung Quốc, giá từ 10.000 đồng đến 50.000 đồng mỗi chiếc đang được bày bán tràn lan, công khai tại chợ làng nghề Bát Tràng.

Những chiếc cốc có xuất xứ từ Trung Quốc được bán tràn lan, công khai trong chợ làng nghề Bát Tràng. Ảnh Xuân Ngọc

Trong một lần sang Bát Tràng chơi, thấy chiếc cốc với hình chú gà trống đeo kính ngộ nghĩnh, chị Thư, sống ở Hà Nội định mua về cho cậu con trai 8 tuổi. Nhưng khi cầm lên xem kỹ, chị thấy xuất hiện vài dòng chữ Trung Quốc và dưới đế cốc cũng không có nhãn hiệu Bát Tràng.

Thắc mắc điều đó, chị Thư được chủ cửa hàng thẳng thắn cho biết đó là hàng Trung Quốc được nhập về bán thêm. Chị Thư chọn một vài chiếc khác, song ca cốc nào có kiểu dáng, họa tiết bắt mắt thì hầu hết đều có xuất xứ như vậy nên chị không mua. "Đã cất công sang đến Bát Tràng thì phải mua gốm làng nghề chứ. Cốc Trung Quốc ở Hà Nội không thiếu, mà tôi còn lo chúng có chứa độc tố nữa", chị Thư tâm sự.

Móc chìa khóa bằng nhựa hay cao su với đủ hình thù, từ quả chuối, đôi dép đến bộ khung xương... cũng được bày bán lẫn với sản phẩm cùng chức năng bằng gốm của Bát Tràng. "Mấy cái này ở chỗ Khương Thượng bán nhiều lắm", nhóm bạn học sinh đến từ Hà Nội xì xào khi cầm xem chùm đầu lâu. Chủ cửa hàng kinh doanh những mặt hàng trên cũng thừa nhận Bát Tràng không sản xuất đồ nhựa hay cao su nên đó đều là hàng nhập từ Trung Quốc.

Các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc có giá khá mềm, mẫu mã bắt mắt, kích thước đa dạng. Móc chìa khóa từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng, ca cốc giá chưa đến 50.000 đồng mỗi chiếc.

Bên cạnh đó, các bộ bát đĩa của Hàn Quốc cũng có mặt ở hầu hết các quầy hàng trong chợ Bát Tràng. Đon đả mời khách, chị Huệ, chủ kinh doanh đưa ra những chiếc bát nhãn hiệu "Korea style" hay "Bone porcelain". Chị giới thiệu, đó là sản phẩm nhập từ Hàn, chất lượng men sáng bóng với giá chỉ đắt hơn từ 2.000 đồng đến 10.000 đồng so với hàng của làng nghề, theo đơn vị từng chiếc bát, đĩa hoặc bộ ấm chén.

Theo các chủ kinh doanh, những sản phẩm ngoại nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc có sức tiêu thụ không nhiều như hàng Bát Tràng. "Bán chủ yếu là cốc, móc chìa khóa, nhưng cũng chỉ có giới trẻ như học sinh, sinh viên mua là chính. Hầu hết mọi người sang đây chủ ý là mua đồ Bát Tràng nên gốm làng nghề vẫn được mua nhiều hơn cả", chị Huệ nói.

Hàng ngoại nhập từ Hàn Quốc cũng góp mặt trong chợ làng nghề gốm cổ truyền.
Ảnh: Xuân Ngọc

Trao đổi với PV, ông Phùng Văn Hữu, Trưởng ban quản lý chợ Bát Tràng thừa nhận có hàng Trung Quốc bán trong chợ làng nghề Bát Tràng, chủ yếu là sản phẩm ca, cốc. Ông Hữu cho biết, trước đây, điều này hoàn toàn bị cấm.

"Chúng tôi là làng nghề, làm ra sản phẩm còn chưa tiêu thụ hết thì lại đi nhập làm gì. Nhưng cũng chính vì thể mà ban quản lý chợ bị khiển trách là sai đường lối ra nhập WTO nên thời gian gần đây mới xuất hiện tình trạng này", ông Phùng Văn Hữu nói.

Ông Hữu cung cấp, những mặt hàng ngoại nhập bày bán trong chợ chiếm tỷ lệ không đáng kể, chỉ từ 10% đến 15% trong nhóm hàng ca cốc. Còn nếu so với tổng sản phẩm thì chưa đến 2-3%. Theo ông, việc hàng Trung Quốc xuất hiện trong chợ Bát Tràng là do giá rẻ và một phần từ nhu cầu của chính người tiêu dùng, đặc biệt là với giới trẻ, đối tượng khách hàng ưu thích mẫu mã. "Song, điều này cũng giúp người làng nắm bắt xu hướng, thị hiếu của người tiêu dùng. Bằng chứng là sản phẩm của Bát Tràng ngày càng cải tiến về mẫu mã", ông Hữu nói.

So với hàng Trung Quốc, sản phẩm Bát Tràng thường hơi nặng do xương dày và kết cấu chắc hơn. Xét về độ bền cơ học thì đồ Bát Tràng bền hơn. "Nếu đập 2 chiếc cốc vào nhau thì cốc của Trung Quốc sẽ vỡ vì độ kết cấu của nó kém. Do kết cấu kém nên có độ thẩm thấu, dẫn đến việc vị đóng cặn nước chè sau một thời gian sử dụng. Còn men Bát Tràng có độ trơ tốt nên ít bị bám như vậy", ông Hữu cho hay.

Xét về mẫu mã, hàng Trung Quốc phong phú, bắt mắt hơn; nhưng do sản xuất dây chuyền dập khuôn nên đều đều như nhau. Trong khi đó, sản phẩm Bát Tràng được làm thủ công nên chính nét thô, vụng đó làm nên bản sắc đặc trưng. "Người Việt dùng hàng Việt, đồ của Bát Tràng hiện rất tốt và được cải tiến nhiều về hình thức, giá vừa phải nên người tiêu dùng nên ưu tiên lựa chọn", ông Phùng Văn Hữu khuyến cáo.

Xuân Ngọc