Công khai danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm quyền lợi NTD
Đời sống - Ngày đăng : 14:38, 31/10/2011
Tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng sẽ bị công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng - Ảnh minh họa |
Tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng sẽ bị công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
Đây là quy định tại Nghị định 99/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa được Chính phủ ban hành.
Danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở và đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nội dung công bố công khai gồm: Tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân vi phạm; hành vi, địa bàn vi phạm; cơ quan ban hành, số, ngày, tháng, năm quyết định xử lý vi phạm.
Thời hạn công bố tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm là 30 ngày kể từ ngày công bố.
Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng cấp huyện có trách nhiệm lập và công khai danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng theo quy định tại khoản 4 Điều 26 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trường hợp vụ việc vi phạm từ hai huyện trở lên thì Sở Công Thương có trách nhiệm công bố danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm.
Trường hợp vụ việc liên quan đến từ hai tỉnh trở lên, Bộ Công Thương có trách nhiệm công bố danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm.
Ban quản lý chợ, thương nhân kinh doanh chợ, trung tâm thương mại công bố công khai danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh trong phạm vi chợ, trung tâm thương mại vi phạm quyền lợi người tiêu dùng tại chợ, trung tâm thương mại do mình quản lý.
Yêu cầu bảo vệ người tiêu dùng phải có 5 nội dung
Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhiều người tiêu dùng, lợi ích công cộng thì người tiêu dùng, tổ chức xã hội có quyền yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện nơi thực hiện giao dịch giải quyết.
Nghị định 99/2011/NĐ-CP quy định cụ thể, yêu cầu bảo vệ người tiêu dùng phải có 5 nội dung sau: 1- Thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm; 2- Thông tin về tổ chức xã hội hoặc người tiêu dùng yêu cầu; 3- Nội dung vụ việc; 4- Yêu cầu cụ thể của người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; 5- Tài liệu, chứng cứ kèm theo.