Tránh dàn trải, chồng chéo trong giám sát
Chính trị - Ngày đăng : 11:06, 31/10/2011
Trước khi thảo luận, các đại biểu đã nghe Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012.
Đánh giá về tình hình thực hiện chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011, UBTVQH cho rằng, mặc dù đây là năm chuyển giao giữa 2 nhiệm kỳ Quốc hội nhưng hoạt động giám sát vẫn được chú trọng, tiếp tục có những cải tiến về quy trình, thủ tục, cách thức giám sát; đạt được những kết quả tích cực, hoàn thành chương trình, kế hoạch đề ra. Đặc biệt, các giám sát tối cao đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đạt được hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, hoạt động giám sát vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của tình hình hiện nay. Việc giám sát ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa được quan tâm đúng mức; việc theo dõi, thực hiện các kiến nghị sau giám sát còn chưa làm được nhiều; kết quả giám sát giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân còn hạn chế…
UBTVQH đề nghị trong năm 2012, Quốc hội tập trung vào một số hoạt động giám sát chính là xem xét báo cáo của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật, hoạt động chất vấn và giám sát chuyên đề.
Về số lượng chuyên đề giám sát, UBTVQH đề nghị Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại 2 kỳ họp trong năm. UBTVQH giám sát 3 chuyên đề tại các phiên họp trong năm; Hội đồng dân tộc giám sát 2-3 chuyên đề, các ủy ban giám sát 1-2 chuyên đề.
Về việc lựa chọn nội dung chuyên đề giám sát trong năm 2012, UBTVQH đề xuất Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 3 nội dung: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Việc thực hiện chính sách, pháp luật để giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai trong lĩnh vực hành chính; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Thảo luận ở hội trường, các đại biểu đánh giá cao hoạt động giám sát của Quốc hội trong năm 2011 bởi nó mang lại hiệu quả rất tích cực với hoạt động quản lý Nhà nước, đặc biệt là việc quán triệt chủ trương đổi mới trong hoạt động giám sát.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhận xét, hoạt động giám sát thời gian qua vẫn còn dàn trải, chồng chéo, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ và các kiến nghị giám sát chưa được đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện trong thực tế, do đó, vẫn còn nhiều lĩnh vực gây bức xúc mà chưa được xử lý dứt điểm. Bên cạnh đó, việc hạn chế đại biểu chuyên trách ở các đoàn, các địa phương cũng khiến hoạt động giám sát không đáp ứng được yêu cầu.
Về dự kiến chương trình giám sát năm 2012, các đại biểu kiến nghị, cần tăng cường các chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, nhưng chú trọng chọn những vấn đề rất bức xúc, gay gắt trong xã hội để giám sát tối cao nhằm tạo ra sự chuyển biến đồng bộ, thiết thực. Đồng thời, tổ chức lại hoạt động giám sát của Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội.
“Nếu giám sát của Quốc hội lồng ghép với giám sát của các địa phương, bộ ngành thì thuận lợi hơn cho nơi giám sát”, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đề xuất.
Đại biểu Hoàng cũng cho rằng, nếu giám sát đề ra được cơ chế giải quyết và nêu tỷ lệ % các giám sát được làm tốt thì sẽ đạt hiệu quả hơn.
Cùng nhận xét, đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) đề nghị, để hoạt động giám sát ngày càng hiệu quả, chất lượng, nên tăng cường các chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội bởi chỉ những giám sát tối cao này mới có mức độ lan tỏa lớn, tạo sự chuyển biến thực sự trong thực tế.
Về số lượng các chuyên đề được giám sát trong năm 2012, các đại biểu cơ bản nhất trí với việc chọn 2 chuyên đề để giám sát nhưng còn nhiều ý kiến khác nhau về việc lựa chọn nội dung giám sát. Tuy nhiên, nhiều ý kiến ủng hộ nội dung giám sát về đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai như đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Một số ý kiến đề xuất thêm nội dung giám sát về cơ sở hạ tầng giao thông và an toàn giao thông; việc đầu tư công ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước….