Kiểm tra, kiến nghị làm rõ sai phạm tại công ty SUDICO
Đời sống - Ngày đăng : 10:12, 30/10/2011
PV: Xin đồng chí cho biết những tồn tại, bất cập tại SUDICO thời gian qua?
Đồng chí Lê Công Tinh: Công ty SUDICO là công ty cổ phần (hình thành trên cơ sở cổ phần hóa công ty Nhà nước), do Tập đoàn Sông Đà nắm giữ 36,3% vốn điều lệ (vốn điều lệ 1000 tỷ đồng). Trên cơ sở cổ phần nắm giữ tại công ty, Tập đoàn Sông Đà cử ông Phan Ngọc Diệp, là Tổ trưởng, người đại diện phần vốn của Tập đoàn, giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và ông Vi Việt Dũng, là người đại diện phần vốn của Tập đoàn, giữ chức vụ Tổng giám đốc công ty.
Ngày 24/9/2011, ông Phan Ngọc Diệp - Tổ trưởng, người đại diện phần vốn Nhà nước của Tập đoàn, Chủ tịch HĐQT của SUDICO đã chủ trì cuộc họp biểu quyết và ký quyết định miễn nhiệm Tổng giám đốc công ty là ông Vi Việt Dũng (là người đại diện quản lý phấn vốn của Tập đoàn) và bổ nhiệm Tổng giám đốc mới thay thế. Quyết định miễn nhiệm, bổ nhiệm trên đều chưa đúng trình tự thủ tục và quy định của pháp luật, chưa đúng Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Sông Đà đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 334/QĐ-TTg ngày 8/3/2011; Quy định về người đại diện vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác của Bộ Xây dựng (Quyết định số 342/QĐ-BXD ngày 31/3/2009); Quy định về công tác tổ chức - cán bộ của Đảng ủy Tập đoàn Sông Đà (Quy định số 20/ĐUTCT ngày 02/01/2007) và của Đảng bộ Công ty SUDICO (Quy định số 03c ngày 03/02/2009).
PV: Xin đồng chí nói rõ hơn về những sai phạm trong việc miễn nhiệm, bổ nhiệm Tổng giám đốc tại SUDICO ?
Đồng chí Lê Công Tinh: Như đã nói ở trên, ngày 24/9/2011, ông Phan Ngọc Diệp - Chủ tịch HĐQT của SUDICO đã chủ trì cuộc họp để biểu quyết và ký quyết định miễn nhiệm Tổng giám đốc công ty là ông Vi Việt Dũng và bổ nhiệm Tổng giám đốc mới.
Tại thời điểm biểu quyết thông qua Nghị quyết của HĐQT về nội dung miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc của ông Vi Việt Dũng và bổ nhiệm Tổng giám đốc thay thế, chỉ có 3/5 (60%) thành viên HĐQT họp và biểu quyết. Quy định của Luật Doanh nghiệp, cũng như Điều lệ của SUDICO tại Điều 28, khoản 8 đã nêu rõ: “Các cuộc họp của HĐQT chỉ được tiến hành và thông qua các quyết định, khi có ít nhất ba phần tư số thành viên HĐQT có mặt trực tiếp hoặc qua người đại diện thay thế”, tức là theo đúng quy định, số có mặt tối thiểu phải là 75%. Mặt khác, tại Điều 50, khoản 4, Điều lệ Tập đoàn Sông Đà quy định: Người đại diện phần vốn góp của Sông Đà tại doanh nghiệp khác có nghĩa vụ: “Xin ý kiến Hội đồng thành viên Sông Đà trước khi tham gia biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông, tại cuộc họp Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị của công ty có vốn góp của Sông Đà về chiến lược phát triển, kế hoạch kinh doanh dài hạn và hàng năm; nhân sự chủ chốt... Trường hợp nhiều người cùng đại diện của Sông Đà tham gia và Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị công ty nhận vốn góp thì người có trách nhiệm chính do Sông Đà chỉ định phải chủ trì cùng nhau bàn bạc, thống nhất ý kiến và xin ý kiến về những vấn đề quan trọng của công ty có vốn góp của Sông Đà trước khi biểu quyết”.
Như vậy, việc ông Phan Ngọc Diệp ký quyết định miễn nhiệm và bổ nhiệm trên rõ ràng là chưa tuân thủ các quy định đã nêu.
PV: Trước những sai phạm như vậy, Tập đoàn Sông Đà và Đảng ủy cơ quan đã có những biện pháp gì để xử lý, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Công Tinh: Trước những sai phạm trên, ngày 26/9/2011, Tập đoàn Sông Đà đã có văn bản số 1502/TĐSĐ-TCNS gửi Phòng Đăng ký kinh doanh số 2 - Sở Kế hoạch đầu tư Hà Nội, đề nghị tạm dừng cấp phép thay đổi người đại diện theo pháp luật trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần của Công ty SUDICO; đồng thời, có văn bản số 1504/TĐSĐ-TCNS yêu cầu người đại diện phần vốn của Tập đoàn tại SUDICO báo cáo về việc miễn nhiệm và bổ nhiệm Tổng giám đốc công ty. Tuy nhiên, ngày 3/10/2011, Phòng Đăng ký kinh doanh số 2 đã cấp đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần lần thứ 7 cho SUDICO, trong đó, thay đổi người đại diện pháp luật công ty là ông Ngô Vĩnh Khương, chức vụ Tổng giám đốc thay thế ông Vi Việt Dũng - đại diện phần vốn của Tập đoàn Sông Đà. Phần vốn Nhà nước của Tập đoàn Sông Đà tại SUDICO chỉ ghi nhận là 20,4% vốn điều lệ, thấp hơn so với sở hữu thực tế của Tập đoàn là 36,3% vốn điều lệ.
Ngày 27/9/2011, Đảng uỷ Tập đoàn sông Đà có văn bản số 305 CV/DUTĐ gửi Đảng uỷ công ty SUDICO về công tác cán bộ, yêu cầu Đảng uỷ công ty tạm dừng việc thực hiện Nghị quyết số 101,102 ngày 26/9/2011; đồng thời, chỉ thị các đảng viên có liên quan tạm dừng việc miễn nhiệm, bổ nhiệm Tổng giám đốc công ty, khi xét thấy cần thiết thay đổi nhân sự chủ chốt thì phải thực hiện đúng quy trình, quy định về miễn nhiệm, bổ nhiệm cán bộ của Đảng uỷ Tập đoàn và Đảng uỷ công ty.
Ngày 29/9/2011, Tập đoàn có văn bản số 1531/TĐSĐ-TCNS gửi SUDICO đề nghị HĐQT dừng thực hiện các quyết định miễn nhiệm và bổ nhiệm trên. Cùng ngày, Tập đoàn có văn bản số 1532/TĐSĐ-TCNS gửi đến ông Phan Ngọc Diệp, yêu cầu làm việc với HĐQT công ty, dừng việc thực hiện các quyết định nêu trên và thực hiện đúng các quy định về nghĩa vụ của người đại diện vốn.
Ngày 30/9/2011, Tập đoàn tổ chức họp với tổ trưởng và các người đại diện phần vốn của tập đoàn tại SUDICO và yêu cầu thực hiện đúng các quy định về nghĩa vụ người đại diện và làm việc với công ty SUDICO để dừng việc thực hiện các quyết định miễn nhiệm, bổ nhiệm trên; Yêu cầu Tổ trưởng Người đại diện phần vốn Nhà nước của Tập đoàn tại công ty SUDICO có ý kiến để HĐQT công ty tổ chức cuộc họp kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của bộ máy quản lý, Tổng giám đốc điều hành và các cá nhân liên quan trong việc không hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, trong quản lý các dự án đầu tư. Nếu thấy cần thiết thay Tổng giám đốc công ty thì thực hiện đúng quy trình, quy định về miễn nhiệm, bổ nhiệm cán bộ.
Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông Nhà nước, cũng như việc bảo toàn tài sản, phần vốn Nhà nước đầu tư tại SUDICO, Tập đoàn Sông Đà đã có văn bản số 1461/TĐSĐ-PC ngày 14/10/2011 gửi UBND Thành phố Hà Nội, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho công ty cổ phần của Công ty SUDICO có sai lệch như đã nêu.
Hiện nay, Đảng ủy Tập đoàn đã thành lập đoàn kiểm tra để tiến hành kiểm tra những sai phạm trên tại SUDICO. Đồng thời, chúng tôi cũng có văn bản báo cáo gửi Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương xin ý kiến chỉ đạo giải quyết.
PV: Xin cám ơn đồng chí!