F.Goetz sẽ còn bất ngờ?

Xã hội - Ngày đăng : 07:30, 30/10/2011

(HNM) - Không tin rằng, khi đặt chân tới Việt Nam, HLV F.Goetz lại gặp những chuyện như vậy. Nhưng người Việt Nam lại không bất ngờ. Có chăng chỉ F.Goetz bất ngờ.


Gần nhất là chuyện BTC SEA Games 26 tính đổi giờ thi đấu của Đội tuyển U23 Việt Nam với Brunei từ 19h00 ngày 11-11 lên 8h00 cùng ngày. Ở trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp lâu năm, F.Goetz  thực sự sửng sốt trước tin này bởi không đâu trên thế giới, tại một giải đấu quốc tế lại có chuyện thi đấu bóng đá vào 8h00 sáng. Nhưng đấy là chuyện có thật. Điều ấy chỉ càng cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp và đầy tự phát trong khâu điều hành của bóng đá Đông Nam Á nói chung. Cũng vì vậy, người ta đã coi Đông Nam Á là vùng trũng bóng đá thế giới cũng không sai.

HLV F.Goetz và các học trò. Ảnh: Đào An


Nhưng trong vùng trũng ấy, vẫn có những khát khao. Khát khao chẳng kém việc người Brazil muốn đội nhà vô địch bóng đá thế giới. Hiếm nơi nào mà Đội U23 quốc gia lại được quan tâm như U23 Việt Nam. Đi kèm với sự quan tâm là kỳ vọng vào một chức vô địch SEA Games - giải đấu quốc tế chính thức có cấp độ thấp nhất bóng đá thế giới.

Nhưng cuộc sống là vậy. Khi chưa đạt được điều mong muốn, người ta tìm mọi cách. Kích thích cầu thủ bằng tiền thưởng cũng là một cách thịnh hành trong nhiều năm qua. Những cú treo thưởng tiền tỷ dù biết là "leo cột mỡ" đấy nhưng cũng khiến người ta phải giật mình trước sự quan tâm quá mức đến bóng đá. Sự quan tâm ấy có thể xuất phát từ niềm đam mê, cũng có thể vì muốn đánh bóng tên tuổi. Hệ quả là có thể khiến cầu thủ phân tâm, không xác định được rằng mình thi đấu cho đội tuyển quốc gia là vì cái gì. Những ngày gần đây, câu chuyện hai doanh nghiệp - một ông là " bầu " bóng đá, một ông là Phó Chủ tịch VFF cùng đứng ra treo thưởng 500.000 USD (tổng cộng là 1 triệu USD) cho Đội U23 quốc gia nếu vô địch SEA Games 26 đã khiến người ta phải ước ao trở thành tuyển thủ bóng đá thay vì các môn khác. Làm cầu thủ chuyên nghiệp bây giờ lương cao lại thêm thưởng lớn nếu lên tuyển quốc gia thì tội gì không theo. 1 triệu USD có thể khiến 1 nghìn hộ thoát nghèo nếu được vay 20 triệu đồng để làm ăn, sản xuất. Đơn giản nhất, chỉ trích 2.000 USD trong số tiền ấy ra là có thể đã làm thỏa giấc mơ tham dự SEA Games 26 của một tài năng ở môn Patin có tên là Lê Tuấn Anh (Hà Nội). Chàng trai này đã được gọi vào Đội tuyển quốc gia tham dự SEA Games song không kiếm nổi hơn 30 triệu đồng tiền vé, di chuyển, mua sắm dụng cụ thi đấu (đội tuyển Patin tốc độ dự SEA Games 26 theo dạng tự túc) nên đành ngậm ngùi ở nhà.

Riêng ông Goetz chưa bao giờ bộc lộ quan điểm về chuyện này nhưng sẽ không lạ nếu không ngạc nhiên. Khoản tiền ấy là quá lớn, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở chính nước Đức quê hương ông. Biết vậy, nên ông F.Goetz đề nghị không đề cập đến tiền thưởng, mà chỉ yêu cầu các học trò thi đấu vì chiếc áo đội tuyển quốc gia mà họ đang mặc và phục vụ.

Nhưng trước ngày diễn ra SEA Games 26, cũng phải nói rằng, vô địch SEA Games 26 với U23 Việt Nam chỉ kém 'leo cột mỡ'' chút ít thôi. Tiền trước mặt nhiều đấy nhưng có đến 70% không thể tới tay các tuyển thủ (đơn giản, phải vô địch mới có thưởng).

Sơ sơ mới là hai câu chuyện có thể không có ở châu Âu và nước Đức của ông F.Goetz. Nhưng ngày tới, khi SEA Games 26 diễn ra, không biết ông có phải bất ngờ thêm về những chuyện kiểu như trên không?

Minh Quang