Cưới ở Hà Nội (tiếp)

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:38, 30/10/2011

(HNM) - Nghi thức, nghi lễ ăn hỏi và cưới ở Hà Nội nhìn chung cũng giống như các tỉnh phía Bắc, tuy nhiên cưới hỏi ở Hà Nội cũng có những điểm khác biệt... Các lễ nghi, thủ tục cưới hỏi đã tồn tại trong chế độ phong kiến như luật bất thành văn và nó được truyền từ đời này qua đời khác.

Không còn chăng dây đầu phố, không có thách cưới, chú rể có khi vẫn quần áo bộ đội, đi dép cao su cho dù cô dâu áo dài thướt tha. Cưới hỏi thách to, mâm cao cỗ đầy, đón dâu bằng ô tô... bị cho là lối sống của chế độ thực dân, phong kiến phải loại bỏ ra khỏi đời sống. Khái niệm cưới đời sống mới ra đời  rất đơn giản, nhiều nghi thức, nghi lễ bị lược bỏ, không có ăn mặn, chỉ có tiệc ngọt. Đón dâu xong vợ chồng dẫn nhau ra hiệu ảnh Quốc tế ở Hàng Khay chụp ảnh kỷ niệm. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn tổ chức ăn mặn nhưng đến năm 1959, Hà Nội thực hiện cải tạo tư bản tư doanh, không ai dám làm cỗ vì sợ bị quy là tư sản hay tiểu tư sản thành thị.

Một đám cưới ở ngoại thành Hà Nội năm 1982. Ảnh: Tư Liệu


Năm 1964, đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc bằng không quân, năm 1966 bắt đầu ném bom ở Hà Nội nên đã sinh ra cưới thời chiến. Nếu gia đình nào không sân dựng rạp thì thuê phòng cưới Trăm Hoa ở phố Bà Triệu hay Hòa Bình ở phố Huế. Dù ở phòng cưới hay ở nhà, tại  hội trường cơ quan, xí nghiệp thì phông (bằng vỏ chăn bông) đều có chữ lồng và không thể thiếu được đôi chim câu mớm mỏ nhau cắt bằng giấy. Băng rôn trên tường là khẩu hiệu "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ", "Thắm tình Tổ quốc, đẹp tình ta" hay "Tất cả cho tiền tuyến". Khăn trải bàn ở phòng cưới là miếng vải hoa thì cưới tại gia thường phủ tấm áo mưa, đủ các màu. Phần lớn chú rể đều mặc quần âu, áo sơ mi trắng "cắm thùng", đi dép xăng đan còn cô dâu có khi là áo dài, nhưng cũng có người quần lụa, áo sơ mi trắng cổ lá sen, đi guốc sơn đen, trên đầu có cài nhành hoa. Song dù đám cưới thời chiến nhưng Hà Nội vẫn giữ nếp có phù dâu, phù rể, đốt pháo Trúc Bạch và khi cô dâu chú rể vào phòng cưới vẫn tung giấy màu cắt vụn lên đầu hai người.

Cũng giống cưới đời sống mới, cưới thời chiến cũng có văn nghệ "cây nhà, lá vườn". Những bài thường hát là các bài hát chống Mỹ như: "Trường Sơn đông, Trường Sơn tây", "Nổi lửa lên em", "Bài ca 5 tấn", "Thanh niên 3 sẵn sàng, phụ nữ 3 đảm đang"... ai hát xong được hội hôn tặng một tràng vỗ tay và còn nhận được một chiếc kẹo mềm. Do kinh tế khó khăn và "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" nên tiêu chuẩn cho một đám cưới gồm: hai cân kẹo, một cân chè, hai tút thuốc lá Tam Đảo hoặc Trường Sơn, một đôi chiếu và chiếc màn đôi bằng vải xô. Thuốc lá mang sang nhà gái còn nhà trai thì hút thuốc cuộn. Trừ một số ít người làm cơ quan, xí nghiệp có thể mượn ô tô  để đón dâu, còn lại các đám cưới đều đón dâu bằng xe đạp. Nếu nhà  không có xe tốt thì mượn họ hàng, được chiếc Peugeot cho chú rể đèo cô dâu thì nhất. Năm 1968, đám cưới anh Quang ở phố Bạch Mai đón dâu bằng xe đạp, nhưng chú rể không biết đi xe nên cô dâu phải đèo, đã thế chú rể sợ ngã lại ngồi hai chân hai bên, một tay bám vào yên xe còn tay kia nâng tà áo dài khiến cả phố buồn cười. Ở ngoại thành, cô dâu mặc quần lụa hay sa tanh đen, áo sơ mi trắng.

Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn làm cỗ vì quan niệm "đứt ruột đẻ ra, nuôi lớn nên không thể cho không".

Cưới thời chiến kéo dài cho đến năm 1975, năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Dù cuộc sống còn rất khó khăn song cưới  ở Hà Nội có xu hướng trở lại với nghi thức, nghi lễ cổ, dạm ngõ, ăn hỏi, lễ cưới và có hai lễ gia tiên nội ngoại nhà cô dâu. Nhà khá giả vẫn có bánh phu thê, gói chè, quả cau khi đi mời cưới. Chuẩn bị cho một đám cưới khá vất vả, phải mua sẵn măng khô cho món măng, tích trữ gạo nếp để nấu món xôi và đặc biệt là đổi chác phiếu thịt, nước mắm để đến ngày cưới có số phiếu kha khá mua thịt hay chân giò. Do tiêu chuẩn đồ cưới quá ít, nhiều nhà mang bột mỳ, đường đến các cơ sở gia công làm bánh săm pa, quy gai. Nơi có nhiều nhất các nhà làm bánh hồi ấy nằm trên phố Sinh Từ, nay là phố Nguyễn Khuyến. Dạm trước mượn bếp dầu, bàn ghế bát đựng cỗ, tấm trải bàn... của hàng xóm, họ hàng và bạn bè; xin phép chính quyền địa phương căng bạt ở chỗ đất trống, mang đăng ký đi thuê ô tô...

Đám cưới thời bao cấp thật vui vì huy động cả gia đình, họ hàng và bạn bè cô dâu chú rể. Vui nhất sau lễ ăn hỏi là chị em nhà gái xúm xít đóng gói mứt sen, chè, rồi tíu tít đi mời. Họ hàng ở quê lên làm giúp quá đông nên có nhà chật phải gửi ngủ ở hàng xóm. Đêm trước ngày đón dâu cả họ cùng thức, chị em thì thái su hào, cà rốt làm nộm, đồ xôi gấc, rửa bát đĩa...; cánh đàn ông thì làm gà, luộc thịt... còn thanh niên lo sửa sang lại phông và lo phần ăm ly, loa và băng nhạc. Một việc quan trọng mà nhà trai phải cắt cử hẳn một người "chăm sóc", nịnh nọt bác tài vì giờ đón dâu đã xem nên không thể chậm trễ được. Xe khách của Xí nghiệp Xe khách Thống Nhất chỉ có hai loại: Hải Âu và Ba Đình. Xe Hải Âu của Liên Xô khá lịch sự còn xe Ba Đình (do Việt Nam đóng, dùng máy IFA) vừa thô vừa xấu, lớp sơn ngoài vỏ thì lem nhem, song thuê được là may. Nếu làm cơ quan nhà nước thì tiện hơn vì công đoàn ủng hộ một chuyến xe đón dâu, và xe đưa đón nhân viên thường là xe Labob của Liên Xô đẹp và sang hơn xe Hải Âu. Áo dài cô dâu khá dễ dàng vì dễ mượn song quần áo chú rể mới là điều đáng nói. Ai có tiền mới may "củ" (tên dân dã dùng để gọi comple) còn lại đều phải mượn và có khi phải qua nhiều cầu mới mượn được  bộ vừa người. May một bộ comple khá nhiều tiền nhưng thời bao cấp thẫm đẫm tình người nên không quen chú rể người ta vẫn sẵn sàng cho mượn. Xong comple lại lo giày. Giày xấu đẹp hay màu gì cũng được miễn là phải vừa chân, nếu chật thì khốn khổ. Do ngày ấy hiếm xi nên có người lấy dầu lạc đánh cho bóng và lúc chuẩn bị quần áo giày dép đi đón dâu mới biết kiến xơi hết phần dầu để lại các vết lỗ chỗ trên mặt da. Còn phù rể thì chỉ mặc "củ sếch" (không thắt cà vạt). Cô dâu mặc áo dài trong ngày cưới cài bông hoa trên tóc để phân biệt với các cô phù dâu". Đám cưới đầu tiên ở Hà Nội cô dâu mặc váy là năm 1974, cô dâu là con gái của một cán bộ cao cấp học ở nước ngoài về.

Sang thập niên 80 thế kỷ XX, dịch vụ cho thuê áo cưới, trang điểm cô dâu xuất hiện ở Hà Nội. Chụp ảnh cưới quay trở lại và không chỉ ngày cưới, nhiều gia đình thuê chụp cả lễ ăn hỏi. Nhiều thợ ảnh còn in ảnh cô dâu chú rể trong hình quả tim, có khi là bao thuốc lá 3 số 5. Sinh viên Khoa Quay phim Trường Sân khấu - Điện ảnh cùng các phóng viên ảnh các báo cũng vác máy Zenit hay Praktica phục vụ. Những chiếc máy chạy băng cối  hiệu AKAI nỉ non những "Chuyện tình Lan và Điệp" hay Boney ầm ĩ hàng xóm. Lại có đám cưới chơi cả nhạc  sống, song phải là "dân chơi" mới dám bỏ tiền thuê ban nhạc. Ban nhạc thời kỳ này có Hà "Xồm", Hiếu "văn hóa", Vân "Hàng Bông"... Những bản nhạc được ưa chuộng có: "Tình ca trên Thảo Nguyên", "Đôi bờ", "Chiều Matxcơva" (Nga) "Tuýt Sông Hồng" và cả nhạc The Beatle... Một số sinh viên, người học nghề ở Đông Âu về khi tổ chức đám cưới đã bạo dạn tổ chức nhảy đầm. Đạo diễn Phi Tiến Sơn học quay phim ở Cộng hòa dân chủ Đức về cưới vợ cũng đã tổ chức  nhẩy đầm ầm ĩ ở phố Huế. Thời kỳ này có một đám cưới làm xôn xao Hà Nội, có người còn làm thơ châm biếm. Chú rể là một nhà thuốc Đông y đã ngoài 70 tuổi còn cô dâu ngoài 30 (người ta đồn 18 tuổi)…

Đất nước đổi mới, cuộc sống khá dần lên, đám cưới ở Hà Nội và các tỉnh thành khác có sự thay đổi, chuyện phô trương trong đám cưới xưa trở lại. Có nhà coi việc cưới cho con cái là dịp "làm kinh tế" đã khiến đám cưới mất đi ít nhiều nét văn hóa.

Nguyễn Ngọc Tiến