Kỷ cương không nghiêm, Nhà nước chịu thiệt
Chính trị - Ngày đăng : 06:07, 30/10/2011
Đội ngũ cán bộ công chức cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật, kỷ cương để hoàn thành tốt công việc của mình. Ảnh: Huyền Linh |
Lãng phí tiền tỷ vì thiếu quyết liệt
Hoài Đức là huyện ngoại thành có tốc độ đô thị hóa nhanh với khoảng 1.500ha đất đã GPMB. Nhu cầu đầu tư hạ tầng của huyện vì thế cũng tăng lên nhanh chóng. Theo kế hoạch, riêng năm 2011, dự toán chi trên địa bàn lên đến hơn 1.000 tỷ đồng. Liên quan đến hàng vạn hộ dân bị thu hồi đất, Hoài Đức đang còn nợ khoảng 300ha đất dịch vụ. Trước khi cấp đất dịch vụ cho dân, huyện phải đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng diện tích đất trên. Ước tính, số tiền cần để làm việc này lên đến 3.000 tỷ đồng.
Hiện nay, Hoài Đức đã GPMB xong 157ha đất dịch vụ, nhưng không có vốn để xây dựng hạ tầng. Trong khi nhu cầu vốn đầu tư ngày càng trở nên cấp bách, ngay trên địa bàn huyện, lại có chuyện khó tin là ba nhà đầu tư đang nợ tiền sử dụng đất (diện tích đất nằm trong số 1.500ha đất đã GPMB) của Nhà nước, số tiền lên đến trên 740 tỷ đồng. Nếu thu đủ số tiền nợ đọng này, huyện được hưởng 30% để đầu tư phát triển trên địa bàn.
Thế nhưng, một mình chính quyền huyện không đủ khả năng thu khoản vốn này. Lý do nhà đầu tư đưa ra để "câu giờ" là phải chờ xem xét dự án của họ có phù hợp với quy hoạch chung mới hay không hoặc chưa GPMB xong. Trong khi đó, các sở, ngành liên quan chưa vào cuộc làm rõ xem lý do mà nhà đầu tư đưa ra có chính đáng không, thực tế ra sao. Sự chậm trễ của các cơ quan quản lý trong trường hợp này khiến ngân sách nhà nước thiệt đơn, thiệt kép. Thiệt vì 740 tỷ đồng tính theo lãi suất tiền gửi ngân hàng, lợi nhuận hằng tháng là không ít. Chưa kể, vì không có vốn đầu tư kịp thời, các dự án lẽ ra có thể hoàn thành, lại phải chờ đợi, chỉ tính riêng tiền nguyên vật liệu đội giá đã khiến Nhà nước thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Ở huyện Mê Linh lại có chuyện khác. Trước khi hợp nhất, huyện có loại đất thương phẩm để bán cho một số hộ theo quy định. Nhưng việc thu tiền bị tạm dừng vì hợp nhất với Hà Nội, chính sách thay đổi. Đến nay, huyện đã thu được của các hộ 80 tỷ đồng, còn 200 tỷ đồng chưa thu được. Nguyên nhân, theo bà Phùng Thị Hồng Hà, Phó Giám đốc Sở Tài chính là vì, tỉnh Vĩnh Phúc chưa bàn giao hồ sơ các hộ liên quan. Đã 3 năm trôi qua kể từ ngày Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, vấn đề này vẫn "giẫm chân tại chỗ" khiến cho bao người dân chờ đợi, đất thì bỏ hoang, còn chính quyền địa phương thì rơi vào tình cảnh "không biết xử trí thế nào". 80 tỷ đồng đã thu được thì chưa có hướng dẫn sử dụng. 200 tỷ đồng chậm thu cũng là sự lãng phí lớn. Nguyên nhân, xét cho cùng cũng chỉ vì các cơ quan chức năng chưa vào cuộc đủ quyết liệt, chưa thực sự quyết tâm giải quyết câu chuyện này.
Nâng cao trách nhiệm, thay đổi tư duy
Không chỉ ở Hoài Đức, Mê Linh, tại nhiều địa phương khác, những ví dụ tương tự cũng rất phổ biến. 43/71 vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng vẫn chậm được giải quyết do Đoàn giám sát của HĐND TP phát hiện là một minh chứng. Đó không chỉ là lời nhắc nhở về tinh thần trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, mà còn thực sự là lời cảnh báo về những thiệt hại không đáng có. Chính các lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan Đảng đã thừa nhận thực tế không ít cán bộ, viên chức trước công vụ khó khăn vẫn tìm cách né tránh.
Điều đáng lo hơn là một khi cơ quan quản lý nhà nước yếu kém, sự lãng phí kéo theo rất nhiều hệ lụy, không dừng lại ở những khoản có thể đánh giá trực tiếp. Một vấn đề cũng cần được đề cập nghiêm túc là những trường hợp như hai ví dụ trên đây còn gây ra sự "lãng phí niềm tin" rất không đáng có trong cộng đồng. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo mới đây đã khẳng định sẽ tập trung điều chỉnh cơ chế, chính sách, phân công, phân nhiệm đích danh cán bộ, nhất là tăng cường đôn đốc, theo dõi việc thực thi nhiệm vụ.
Có thể nói, biện pháp cần thiết để thay đổi tình trạng này là sự vào cuộc thường xuyên của các cơ quan kiểm tra, giám sát để một mặt làm rõ khúc mắc, mặt khác nêu đích danh cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết. Vụ việc tại Hoài Đức và Mê Linh nói trên đã được "đưa ra ánh sáng" khi các đại biểu HĐND TP thực hiện quyền giám sát. Nhưng câu chuyện có thể sẽ chỉ dừng lại ở mức nêu vấn đề, nếu chính quyền TP, các cơ quan chuyên môn, UBND các huyện không vào cuộc quyết liệt chỉ đạo, kiểm tra giải quyết vụ việc.