Thí điểm và tính khả thi
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:01, 30/10/2011
Bộ GTVT vừa kiến nghị thí điểm thay đổi giờ làm và giờ học ở Hà Nội nhằm giảm bớt mật độ giao thông lúc cao điểm. Đây là vấn đề không mới, song lại gây tranh cãi. Nhiều năm trước Hà Nội cũng đã áp dụng hai giờ làm việc cho các cơ quan trung ương và địa phương để bớt ách tắc giao thông. Do vội vã và không tính toán một cách khoa học, đồng bộ, nên không chỉ làm giao thông rối hơn mà cuộc sống, công việc, học tập của hàng chục vạn gia đình bị đảo lộn, cùng đó là tốn kém về vật chất, căng thẳng về tinh thần.
Cả chục năm qua đã có không ít dự án giải quyết vấn đề đi lại. Khi "quy trách nhiệm" của việc đi lại lộn xộn là do Hà Nội quá ít đèn tín hiệu, biển báo ít, nên đã đầu tư nhiều đèn tín hiệu. Giờ đây đèn tín hiệu thậm chí nhiều hơn giao điểm, nhưng giao thông lại không cải thiện. Tiếp đó là tăng cường biển báo. Nhưng hệ thống biển báo và dải phân cách bố trí nhiều chỗ tùy tiện, thiếu khoa học, không thuận tiện. Nhiều biển báo đặt như cố tình bẫy người tham gia giao thông nhằm mục đích…phạt. Có những nơi luồng giao thông đã thay đổi hoàn toàn và biển cũ không còn thích hợp nhưng chẳng ai tháo dỡ nên luồng mới không phát huy được tác dụng. Và tiếp đó là các phương án "biển số lẻ ngày lẻ, biển số chẵn ngày chẵn"; dân nội thành không được đăng ký hơn một xe máy..., với mục đích là giải tỏa mà áp dụng chỉ thêm dồn đọng giao thông… Nhưng rồi đều không hiệu quả vẫn là đáp số!
Gần đây là thí điểm phân luồng bằng dải phân cách cứng đang thực hiện là một dự án tốn kém. Qua đoạn phân cách cứng ngắn chừng vài chục mét người và xe lại hỗn loạn. Kèm theo đó là cần một đội ngũ nhân viên ngành chức năng đứng "phân luồng" bằng… tay. Phân luồng mà gây "xung đột" nhanh và gấp; biển báo nhiều nơi hiện ra đột ngột gây nguy hiểm...
Thực ra, tình trạng hỗn độn giao thông được quy vào mấy nguyên nhân: Hệ thống đường xung đột với phương tiện tham gia giao thông (diện tích ít so với số lượng phương tiện); ý thức của người tham gia giao thông quá kém; hệ thống luật và chế tài kém hiệu lực, lực lượng thừa hành thiếu trách nhiệm... Nếu coi đây là nguyên nhân thì mọi giải pháp lâu nay cũng chỉ là giải pháp tình thế , đối phó vì chỉ nhằm vào hệ quả hơn là nguyên nhân.
Tại sao đã tốn nhiều tiền của, thời gian mà vẫn không thể có một quy hoạch giao thông triệt để, dài hạn? Vấn đề ở đây là phải thay đổi tư duy quy hoạch và triển khai quy hoạch giao thông một cách mạnh mẽ, quyết liệt với tầm nhìn cả trăm năm. Tại sao ý thức người dân kém: Đi không cần luật, không nhường nhịn; biết phía trước tắc mà cố chen lên để tất cả thành một mớ bòng bong?
Quy hoạch chiến lược kém là do trình độ kém; phương thức tìm hiểu, nghiên cứu không khoa học; giải quyết vấn đề chiến lược xã hội theo kiểu "ra quân", "phong trào"; quy hoạch ngành không dựa trên quy hoạch phát triển toàn bộ nền tảng kinh tế - xã hội, đô thị của Thủ đô... Tại sao có tình trạng đó? Nguyên nhân sâu xa không chỉ nằm ở lối tư duy, tầm nhìn "nhiệm kỳ". Nó là hậu quả, là hội chứng làm cho có đã rồi tính, miễn có hoạt động.
Ý thức của dân phản ánh lối sống đặc trưng lệ làng và hội chứng chen lấn chỉ biết mình mà không cần biết "lụt thì lụt cả làng".
Giao thông đô thị là một vấn đề lớn, đòi hỏi tầm nhìn và giải pháp triệt để, toàn diện, lâu dài. Vì vậy đồng thời với việc giải quyết nguyên nhân gốc bằng chiến lược cũng cần những giải pháp tức thời mang tính tình thế. Tuy nhiên, tình thế không có nghĩa là không khoa học. Mà có tính khoa học thì cần sự hiến kế của các tầng lớp xã hội với những góc độ nhìn khác nhau, với thái độ thận trọng. Có như vậy những dự án thí điểm mới có thể khả thi trong thực tế.