Dự báo không biến động lớn về giá
Kinh tế - Ngày đăng : 07:34, 29/10/2011
Chuẩn bị đủ nguồn hàng bình ổn tết
Theo Sở Công thương, lượng hàng hóa cung ứng cho 3 tháng cao điểm mua sắm của người dân TP trước, trong và sau tết sẽ từ 3 nguồn chính: hàng bình ổn giá (9 mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu) chiếm 30-40% nhu cầu tiêu dùng thị trường; hàng từ 3 chợ đầu mối chiếm 40-50% và còn lại là từ các nguồn cung khác.
Rau, củ, quả là một trong những mặt hàng thường có biến động lớn về giá trong dịp Tết. Ảnh: Thùy Linh |
Còn khoảng 3 tháng nữa mới đến tết nhưng hiện các doanh nghiệp bình ổn giá đã dự trữ gấp nhiều lần số lượng 30-40% thị phần của 3 tháng trước, trong và sau tết mà TP giao. Theo đó, thịt gia cầm đã dự trữ chiếm 85% nhu cầu tiêu dùng, trứng gia cầm chiếm 65%, thực phẩm chế biến và đường 48%, dầu ăn 43%, gia súc 32%... Tổng vốn dự trữ 9 mặt hàng bình ổn giá hiện là 5.566,3 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn TP hỗ trợ cho hàng bình ổn là 2.830,7 tỷ đồng, vốn của các doanh nghiệp tự bỏ ra là 2.735,5 tỷ đồng). Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng đã xây dựng kế hoạch làm việc, liên kết với các tỉnh tạo thành vùng nguyên liệu nhằm tăng thêm lượng hàng lương thực, thực phẩm cung ứng cho người dân TP.
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, năm nay có thêm nhiều đơn vị mới tham gia bán hàng bình ổn giá. Các doanh nghiệp này tự bỏ vốn trữ hàng bình ổn giá mà không nhận vốn ưu đãi lãi suất của TP. So với mọi năm, năm nay các doanh nghiệp bình ổn giá cũng thực hiện rất tốt công tác tạo nguồn hàng, mạng lưới thu mua nguyên liệu, các kho chứa hàng ở các tỉnh... Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty chăn nuôi cũng được tổ chức chuyên nghiệp hơn. Công ty TNHH Ba Huân vừa đưa vào hoạt động 6 dây chuyền chăn nuôi tự động nhập từ Hà Lan, xây dựng trại gà mới với đàn gà đẻ trứng 72.000 con ở tỉnh Kiên Giang, mỗi ngày thu hoạch khoảng 70.000 quả trứng và sẽ tiếp tục đầu tư dây chuyền mới ở tỉnh Bình Dương. Công ty San Hà, Phạm Tôn cũng đã đầu tư lò ấp, con giống và dây chuyền sản xuất khép kín để bảo đảm nguồn hàng cung ứng... Liên hiệp HTX Thương mại TP (Saigon Co.op) đã ứng vốn, đặt hàng trước với các nhà vườn, HTX cho mặt hàng rau, củ, quả với tổng số tiền lên đến gần 2.800 tỷ đồng, bảo đảm nguồn cung dồi dào, giá cả không bị biến động do thời tiết thất thường.
Quản lý giá chặt chẽ
Tết là thời điểm mà giá cả hàng hóa sẽ tăng vọt. Tuy nhiên, theo Sở Công thương, năm nay giá cả sẽ không có biến động lớn. Với các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn, do chuẩn bị nguồn hàng tốt và nhiều doanh nghiệp cùng tham gia nên có sự cạnh tranh về giá. Sở đã làm việc với Hiệp hội Lương thực thực phẩm, Hiệp hội Đồ uống, các công ty sản xuất bánh kẹo… yêu cầu cam kết không tăng giá nhiều. Các công ty sản xuất bánh kẹo cam kết chỉ tăng giá 5-10%; trong khi các hãng bia ngoại cam kết không tăng.
Theo một số doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay hàng hóa đã hình thành mặt bằng giá mới cao hơn 15-20% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá tăng đã ảnh hưởng rất lớn tới sức mua nên buộc các doanh nghiệp phải tìm mọi cách giữ giá để khuyến khích tiêu dùng, quay vòng vốn nhanh. Bà Lê Ngọc Đào cho biết, trong thời gian tới Sở Công thương sẽ tiếp tục làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp khác để kiềm giá cả ở mức tăng thấp nhất.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng cho biết, TP đã chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra chặt chẽ giá cả thời điểm tết. Thông thường, giá hàng hóa tại nhà máy sẽ không tăng, đúng như cam kết của nhà sản xuất, tuy nhiên khi ra thị trường thì giá vẫn tăng, rất khó kiểm soát. Các đại lý, cửa hàng đổ lỗi do giá hàng tăng, còn nhà sản xuất cho rằng tại đại lý tự ý tăng giá... Vì thế, TP đã chỉ đạo Sở Công thương và Sở Tài chính và quản lý thị trường cùng phối hợp quản lý chặt chẽ giá cả từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng, cam kết trách nhiệm của cơ quan quản lý và các cơ sở sản xuất trong việc quản lý đại lý, cửa hàng để bảo đảm mức giá đến tay người tiêu dùng tốt nhất.
TP Hồ Chí Minh hiện có 2.565 điểm bán hàng bình ổn giá, tăng 377 điểm so với Tết Tân Mão 2011. Dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ phát triển thêm 100 điểm bán ở các chợ, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất… TP cũng giao Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Saigon Co.op mở cửa bán hàng từ sáng mùng hai tết để bảo đảm thị trường có sự cung ứng liên tục, đặc biệt là các mặt hàng mà người dân cần nhưng không trữ lâu như rau, củ, quả, thịt gà… |