Cần giải pháp tổng thể, lâu dài

Đời sống - Ngày đăng : 06:38, 29/10/2011

(HNM) - Ngày 28-10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH-KT) Hà Nội cùng Sở GTVT đã tổ chức hội thảo về quy hoạch đô thị và an toàn giao thông. Đây là vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm, thu hút nhiều chuyên gia đầu ngành tham dự, góp ý kiến giải quyết bài toán giao thông đô thị ở TP Hà Nội. GS-TS Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH-KT Hà Nội cho biết sẽ tập hợp ý kiến các nhà khoa học gửi các cơ quan quản lý nghiên cứu, xem xét.

Tình trạng ùn tắc giao thông triền miên đang cản trở sự phát triển của Hà Nội. Ảnh: Nam Khánh

Hạ tầng giao thông vừa yếu, vừa thiếu đồng bộ

Hà Nội đang chịu sức ép rất lớn về giao thông vận tải khi nhu cầu đi lại tăng mạnh trong khi hạ tầng còn yếu, thiếu đồng bộ. Sự mất cân đối trong bố trí dân cư gây ra tình trạng ùn tắc cục bộ kéo dài tại một số khu vực, nút giao và tuyến đường chính. Theo Sở GTVT, Hà Nội thiếu quy hoạch tổng thể và đồng bộ về phát triển GTVT. Công tác điều tra, dự báo nhu cầu không sát, năng lực quy hoạch, quản lý chuyên ngành yếu. Điều đó dẫn tới thiếu sự kết nối đồng bộ, thậm chí có công trình vừa xây dựng xong đã không đáp ứng đủ nhu cầu.

Quỹ đất dành cho giao thông ở TP hiện chỉ chiếm 6-7% diện tích đất đô thị. Theo PGS-TS Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, đây là mức quá thấp so với tiêu chuẩn 20-25% tại các đô thị tiên tiến. Hệ thống vận tải công cộng hiện chỉ trông chờ vào xe buýt, nhưng 82 tuyến xe buýt với hơn 1.250 xe cũng mới đáp ứng được dưới 10% nhu cầu đi lại của người dân. Phương tiện cá nhân vì thế tăng chóng mặt, với tốc độ tăng trung bình 15%/năm. Toàn TP hiện có khoảng 370.000 ô tô, hơn 3,7 triệu xe máy (chưa kể xe của các cơ quan TƯ, quân đội), 1 triệu xe đạp. Vào giờ cao điểm, lượng xe như vậy tràn ra, ùn tắc là điều khó tránh. Tiến sĩ Hoàng Tùng (Trường đại học Xây dựng) nhấn mạnh, ùn tắc gây thiệt hại lớn cả về kinh tế-xã hội và môi trường. Để xảy ra tình trạng này có sai sót mang tính hệ thống, không lấy giao thông công chính làm định hướng quy hoạch sử dụng đất…

Hệ thống xe buýt chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Ảnh: Khánh Huyền

Phát triển giao thông đô thị bền vững

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải đã đến lúc đòi hỏi có hướng nhìn, hướng đi, cách làm mới trong việc quy hoạch, phát triển đô thị ở Việt Nam, đó là phát triển bền vững. Quy hoạch giao thông đô thị bền vững phải dựa trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa 3 mục tiêu: kinh tế - xã hội - môi trường. TS Hoàng Tùng nhất trí với quan điểm này và cho rằng dạng đô thị hiện nay không bền vững. Đáng lý, giao thông phải được xem là định hướng cho quy hoạch sử dụng đất thì chỉ được xem như công cụ kết nối, chia lô, phân ô. Tiến trình quy hoạch cũng chưa được coi trọng đúng mức khi quy hoạch chi tiết, quy hoạch ngành được duyệt trước quy hoạch chung đô thị.

TS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP cho biết, trước đây giao thông được xem là một yếu tố quan trọng trong quy hoạch phát triển xây dựng. Để quy hoạch hiệu quả, ngành giao thông phải tham gia với tư cách một chủ thể với những đề xuất để các ngành khác nghiên cứu, xem xét. Tán đồng với việc phát triển đô thị bền vững, nhưng TS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng cần thiết phải đánh giá, đưa ra bức tranh tổng thể về hiện trạng, tồn tại, từ đó mới xây dựng giải pháp tổng thể, đưa ra nhiều phương án lựa chọn để các cơ quan quản lý nhà nước xem xét, quyết định. Tất cả các phương án đưa ra phải dựa trên nghiên cứu khoa học, không thể mang cuộc sống người dân ra để thí điểm - ông Nghiêm nhấn mạnh.

Để giải quyết hiệu quả bài toán giao thông đô thị hiện nay thực sự không đơn giản. Trong lúc các cơ quan chức năng đang tìm giải pháp tình thế trước mắt, như điều chỉnh giờ làm, tách làn, phân luồng,… cũng rất cần có những giải pháp dài hạn để giải quyết tận gốc vấn đề, trong đó đáng nói là quy hoạch đô thị, bố trí dân cư lấy giao thông vận tải làm định hướng. GS.TS Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH-KT Hà Nội khẳng định, rất cần thiết phải có một giải pháp mang tính tổng thể về vấn đề này. Ý kiến của các nhà khoa học sẽ được tổng hợp gửi các cơ quan quản lý xem xét, nghiên cứu, áp dụng góp phần từng bước hướng tới một đô thị văn minh, bền vững.

Nguyễn Đức