Mong sớm cải tổ dịch vụ xe buýt
Đời sống - Ngày đăng : 07:10, 28/10/2011
Bà Nguyễn Thu Hằng (phố Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng):
Cần xử lý nghiêm tài xế, phụ xe thiếu ý thức
Với hơn 5.000 nhân viên hoạt động trên 900 xe buýt, chỉ qua 6 tháng đã phải xử lý gần 1/3, thì đúng là điều đáng bàn. Không chỉ thái độ phục vụ kém, nhiều tài xế còn chạy xe rất ẩu. Trong khi ngành GTVT đang đẩy mạnh vận động, khuyến khích người dân đi xe buýt, những sự việc vừa qua đã để lại một hình ảnh không đẹp, không "thân thiện" với người dân. Do vậy, việc xử lý nghiêm các tài xế, phụ xe thiếu ý thức là rất cần thiết, góp phần chấn chỉnh, nâng cao đội ngũ phục vụ của nhà xe, có vậy mới khuyến khích được người dân đi xe buýt.
Việc phân luồng ô tô, xe máy thành công sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: Như Ý |
Sinh viên Nguyễn Tuấn Anh (Trường Đại học KHXH&NV):
Cần cải tổ dịch vụ xe buýt
Tôi thường xuyên đi xe buýt và thấy thái độ của nhiều lái, phụ xe các tuyến quá kém, không tôn trọng hành khách; không thân thiện, hách dịch, ăn nói thiếu văn hóa. Tôi cũng từng bị phụ xe bắt "câm mồm", dọa đánh ngay trên xe buýt, chỉ vì đòi trả lại tiền thừa khi mua vé. Số tiền thừa chẳng đáng là bao, nhưng tôi thấy rất bức xúc về văn hóa ứng xử của người phụ xe đó. Từ khi tân Bộ trưởng Bộ GTVT lên nhậm chức, tôi thấy ông đã có nhiều chỉ đạo, quyết sách mạnh dạn, theo hướng tích cực để thay đổi diện mạo ngành GTVT. Những việc làm mạnh dạn của Bộ trưởng Bộ GTVT đang nhận được khá nhiều đồng thuận từ người dân. Mong Bộ trưởng sớm cải tổ dịch vụ xe buýt, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
minhchifd2@yahoo.com:
Coi trọng khâu tuyển dụng lái xe
Ngoài tình trạng cơ sở hạ tầng chưa bảo đảm, một trong những bất cập lớn nhất hiện nay của xe buýt là văn hóa ứng xử, giao tiếp của lái, phụ xe với hành khách còn yếu kém. Lâu nay, chúng ta kêu gọi tuyên truyền, giáo dục và thực hiện văn hóa giao thông: quan sát, nhường nhịn khi tham gia giao thông. Thế nhưng, người đi đường thường rất sợ xe buýt vì hay lạng lách, vượt ẩu; hành khách lên xe buýt thì lúc nào cũng lo lắng và ức chế. Theo tôi, ngành GTVT cần thắt chặt đầu vào hơn nữa, đặt tiêu chí đạo đức, ý thức, trách nhiệm lên hàng đầu khi tuyển lái xe, không nên vì thiếu người mà tuyển chọn qua loa, đại khái. Bởi lẽ, nếu ngồi trên xe do những tài xế thiếu ý thức lái thì không những nguy hiểm cho hàng chục người, mà còn nguy hiểm cho cả những người khác đang lưu thông trên đường. Bên cạnh đó, phải thường xuyên tổ chức bổ túc, tập huấn về kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử cho lái, phụ xe, để họ thấy được mình đang làm ngành dịch vụ, cần phải làm cho tốt, tạo được sự yêu mến, tin tưởng của khách hàng.
Ông Nguyễn Thế Tiện (H4 KTT Thanh Xuân Nam):
Nên bố trí thêm số điện thoại “nóng”
Tôi từng đi xe buýt và cũng từng có lần phản ánh về chất lượng xe buýt đến số điện thoại đường dây "nóng" ghi trên thành xe buýt. Song dường như người nghe chỉ ậm ừ tiếp nhận cho qua rồi bỏ đấy, bởi sau đó tôi không hề thấy có sự thay đổi gì. Những lần sau, tôi vẫn thấy chiếc xe buýt đó đi không đúng lịch trình, liên tục bỏ bến… Vì vậy, ngoài số điện thoại "nóng" của xí nghiệp xe buýt, tôi đề nghị trên mỗi xe buýt nên bổ sung thêm số điện thoại "nóng" khác của cơ quan cao hơn như: Tổng Công ty, Thanh tra Bộ GTVT, Sở GTVT hoặc của một số tờ báo trên địa bàn Thủ đô để hành khách trực tiếp phản ánh khi có vụ việc xảy ra. Ngoài ra, cũng cần lắp hộp đen có gắn camera cho toàn hệ thống xe buýt. Hiện các xe khách tuyến Lạng Sơn đều lắp và các tài xe đi tuyến này rất cẩn trọng, vì chủ xe quản được mọi việc trên xe...