Tái cơ cấu kinh tế: QH nên giao “đề bài” cho Chính phủ
Chính trị - Ngày đăng : 16:41, 27/10/2011
Đa số ý kiến phát biểu tán thành cao với các đánh giá trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế của Quốc hội cũng như các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội mà Chính phủ đã đề ra cho năm 2012 và các năm tới.
Kiên quyết kiềm chế lạm phát, tái cơ cấu kinh tế
Bàn về giải pháp phát triển kinh tế trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) cho rằng, muốn ngăn chặn lạm phát đòi hỏi phải có chính sách đồng bộ về cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Để khắc phục tình trạng trên, theo đại biểu Sơn, Chính phủ cần tập trung mục tiêu phát triển kinh tế dài hạn, trước mắt có thể chấp nhận hạ lạm phát từ từ để gắn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời có những giải pháp giảm dần lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng, có giải pháp điều hành, điều chỉnh giá cho các dự án đang thi công sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước để đảm bảo các doanh nghiệp bù đắp được chi phí, tránh kéo dài việc thi công, gây lãng phí.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Lê Phước Thanh (Đà Nẵng) đề nghị, để giảm lạm phát, phải hạn chế chi cho tiêu dùng và ưu tiên tập trung chi cho đầu tư phát triển.
“Chúng tôi thấy cần rà soát, cắt giảm, sắp xếp lại danh mục đầu tư công. Có thể đánh giá trong thời gian qua vấn đề đầu tư của chúng ta hiệu quả chưa cao, còn mang tính dàn trải”, đại biểu Thanh nhận xét.
Theo đại biểu Thanh, hạ tầng kinh tế khó khăn nhất của Việt Nam vẫn là giao thông. Do vậy, phải ưu tiên tập trung đầu tư cho hạ tầng giao thông, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối liên vùng để khai thác được các thế mạnh của từng địa phương. Đồng thời, tập trung cho đầu tư các khu vực kinh tế trọng điểm; có chính sách đặc biệt khuyến khích xã hội hóa đầu tư cho nông thôn.
Cũng đến từ Đà Nẵng, đại biểu Nguyễn Bá Thanh ủng hộ chấp nhận tăng trưởng kinh tế chậm lại để đổi lấy sự phát triển bền vững. Ông cho rằng, việc tái cơ cấu ngân hàng là việc cần làm ngay nhưng cũng rất khó vì nếu không khéo, dễ gây hậu quả cho xã hội. Do đó, phải có bước đi phù hợp.
Bàn về kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2011 – 2015, đại biểu Hà Ngọc Chiến (Cao Bằng) cho rằng, đây là giai đoạn chúng ta vừa phải tập trung nguồn lực thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược, vừa phải đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta đã cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vừa phải đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu lại nền kinh tế… nên đòi hỏi Chính phủ phải linh hoạt, thận trọng, kiên quyết, kịp thời trong chỉ đạo, điều hành theo đúng mục tiêu, giải pháp, lộ trình đã được xác định.
“Việc tái cấu trúc nền kinh tế cần chú ý làm rõ thêm ưu điểm, nhược điểm của việc tái cơ cấu trong từng ngành, lĩnh vực trước khi xây dựng các chương trình đề án tái cơ cấu, có như vậy mới có thể có những phương án tái cơ cấu phù hợp, qua đó phát huy được hiệu quả của ngành, lĩnh vực sau khi tái cơ cấu. Việc tái cơ cấu các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính cần chú ý biện pháp đảm bảo tính an toàn lành mạnh của cả hệ thống, nếu không làm tốt vấn đề này sẽ dẫn tới đổ vỡ hệ thống ngân hàng và hậu quả của nó đối với nền kinh tế là hết sức nặng nề”, đại biểu Chiến đề xuất.
Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) kiến nghị, cần tìm ra giải pháp mạnh hơn nữa để hạn chế lạm phát để đảm bảo mức lạm phát năm 2012 dừng ở mức 1 con số và các năm tới từ 5-7%. Ông ủng hộ quan điểm, trước mắt không nên đặt nặng chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2012, có thể thấp hơn năm 2011. Đồng thời, khi thực hiện cắt giảm đầu tư công, không cắt giảm các công trình dự án giao thông nông thôn, điện, thủy lợi, đê biển, đê sông; quan tâm thích đáng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn; chuẩn bị tốt các điều kiện vật chất, kỹ thuật và tài chính để thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2014, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Đồng tình với quan điểm cần phải duy trì mức lạm phát trong năm tới ở mức một con số, đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: “Nếu năm 2012 chúng ta tiếp tục để lạm phát ở mức hai con số thì coi chừng chúng ta làm mất dần những thành quả xã hội đã đạt được trong nhiều năm”.
Theo đại biểu Lịch, để có thể xác định năm 2012, chúng ta cần ưu tiên gì trong phát triển kinh tế, xã hội, Chính phủ cần quan tâm đảm bảo sự đồng bộ khi thực hiện 6 nhóm giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết 11 và đánh giá đầy đủ những tác dụng phụ đặc biệt của các chính sách vừa qua.
Về tái cấu trúc nền kinh tế, đại biểu Lịch đề nghị tập trung vào tái cấu trúc đầu tư, tái cấu trúc về thị trường tài chính và tái cấu trúc về doanh nghiệp. Trong đó, tái cấu trúc đầu tư cần tập trung vào tái cấu trúc đầu tư ngân sách nhưng phải định hướng rằng, đầu tư nhà nước có ý nghĩa là công cụ để thúc đẩy thị trường và doanh nghiệp tái cấu trúc lại đầu tư phải hiệu quả. Vì vậy, trong các tiêu chí định hình cho đầu tư phải tuân thủ 2 nguyên tắc rất quan trọng: Một là phí tổn cơ hội, tức là đồng tiền có hạn, bỏ vào đâu là hiệu quả nhất. Hai là đầu tư đó kích thích cho xã hội tăng đầu tư, tức là hàng năm đầu tư nhà nước tăng về con số tuyệt đối nhưng tỷ trọng so với đầu tư xã hội phải giảm.
“Tôi kiến nghị Quốc hội cần có một nghị quyết hoặc đưa vào nghị quyết về kinh tế - xã hội vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế và đưa ra đầu bài tương đối rõ giao Chính phủ rà soát tất cả các văn bản có liên quan và kể cả hệ thống pháp luật để phục vụ cho tái cấu trúc này trong nghị quyết của Quốc hội sắp tới”, đại biểu Lịch đề nghị.
Quan tâm hơn nữa đến nông nghiệp, nông thôn
Tăng cường đầu tư hơn nữa cho nông nghiệp ,nông thôn, nông dân là ý kiến của đại biểu Nguyễn Quốc Cường (Bắc Giang). Ông cho rằng, những năm qua, Chính phủ đã tích cực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân nên đã giải quyết được nhiều vấn đề. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư của xã hội cho lĩnh vực này không những không tăng lên mà còn giảm dần là điều đáng lo ngại.
“Cách đây 10 năm, tỷ lệ đầu tư xã hội cho nông nghiệp nông thôn chiếm khoảng 13,85% nhưng đến năm 2008 tụt xuống còn 6, 45%, năm ngoái và năm nay chỉ còn khoảng hơn 6% trong khi ngành nông nghiệp đóng góp cho GDP tuy khiêm tốn khoảng 20% nhưng đầu tư xã hội cho lĩnh vực này chỉ có hơn 6% quả là điều bất hợp lý”, ông dẫn chứng.
Đại biểu Cường đề nghị, phải tăng nguồn đầu tư xã hội cho nông nghiệp nông thôn, mà công cụ và phương tiện hữu hiệu nhất là cơ chế chính sách và việc quản lý điều hành của Nhà nước.
“Cơ chế chính sách phải tạo ra được sự hỗ trợ thật sự cho các doanh nghiệp đầu tư… Cần chỉnh sửa ngay những bất hợp lý trong các chính sách đã có, tăng ưu đãi về địa bàn đầu tư, tăng ưu đãi về lĩnh vực đầu tư, về đối tượng đầu tư, đặc biệt là tăng mức ưu đãi đến độ thỏa đáng”, đại biểu Cường đề xuất.
Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) cho rằng, mặc dù Chính phủ đã quan tâm khá nhiều về chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nhưng đời sống của người nông dân vẫn khó khăn, hộ nghèo giảm chưa mạnh, chứng tỏ việc đầu tư cho nông thôn chưa thực sự thỏa đáng.
Theo đại biểu Quang, việc giải quyết tốt các vấn đề về an sinh trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng có nghĩa giải quyết các vấn đề an sinh xã hội của cả nước về cơ bản, bởi lẽ nước ta có 80% dân số nông thôn. Do đó, khi thực hiện tái cơ cấu kinh tế, cụ thể là tái cơ cấu đầu tư, trước hết ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm để phát triển nông nghiệp, nông thôn, ưu tiên cho các tỉnh nghèo có nguồn thu thấp và thường xuyên bị thiên tai lũ lụt.
Đại biểu Nguyễn Văn Thịnh (Hưng Yên) đề nghị, báo cáo Chính phủ cần đánh giá sâu hơn vai trò của nông nghiệp đối với sự ổn định tình hình trong điều kiện có nhiều yếu tố bất lợi tác động đến nước ta trong năm 2011 này.
“Hiện nay chúng ta đang xây dựng chương trình nông thôn mới, đây là chương trình rất lớn không phải một sớm một chiều hoàn thành được. Tôi đề nghị Chính phủ rà soát lại các tiêu chí cho phù hợp với từng vùng, từng miền, với 19 tiêu chí chung như hiện nay là chưa phù hợp”, đại biểu Thịnh nói.
Đại biểu Thịnh cũng đề nghị, cần cụ thể hóa các cơ chế để các địa phương và người dân nắm được khi thực hiện chương trình nông thôn mới, họ được nhà nước hỗ trợ những gì, những phần nào địa phương và nhân dân phải làm…
Ngày mai, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận về các báo cáo kinh tế-xã hội của Chính phủ.