Hà Nội thận trọng đặt tên cho đường, phố mới

Xã hội - Ngày đăng : 14:29, 27/10/2011

(HNMO) – Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thảo nhận định: việc đặt tên cho các tuyến phố mới là hết sức cần thiết, tuy nhiên các địa danh, di tích, danh nhân nổi tiếng trong lịch sử đều đã được đặt tên vì vậy việc lựa chọn tên cho các tuyến đường phố mới phải rất cẩn thận.


Ý kiến trên được Chủ tịch nêu ra tại phiên họp Tập thể UBND TP phiên thường kỳ tháng 10, diễn ra vào sáng 27/10, nhằm xem xét Tờ trình về việc đặt, đổi tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố, công trình công cộng trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2011 trước khi đưa ra trình HĐND TP tại kỳ họp thứ 3.

Ảnh: Internet


Theo báo cáo của Sở VHTT&DL, sau khi tiến hành khảo sát tại 12 quận, huyện, thị xã, Hội đồng tư vấn đặt, đổi tên đường phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thống nhất danh sách 50 đường, phố và 02 công trình công cộng của 10 quận, huyện đề nghị đặt, đổi tên, điều chỉnh độ dài. Trong đó có 22 đường phố mới mang trên danh nhân, 19 đường phố mang tên địa danh; 02 đường mang tên di tích lịch sử văn hóa, 02 đường phố mang dạng tên khác, 03 đường phố điều chỉnh độ dài, 01 phố đổi tên, 01 phố đặt lại tên).

46 tuyến đường, phố đặt tên mới lần này sẽ nằm trên 8 quận, huyện là: Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hoàng Mai, Tây Hồ, Đông Anh, Gia Lâm, Từ Liêm. 03 tuyến phố sẽ được điều chỉnh kéo dài là: Phố Vạn Phúc (đoạn từ ngã tư phố Vạn Phúc – Vạn Bảo đến Nhà khách La Thành); Phố Trần Đại Nghĩa (đoạn từ ngã tư Đại La – Trần Đại Nghĩa (số nhà 149 Đại La) đến khu tập thể Thành ủy (đầu mương kè); Đường Việt Hùng (đoạn từ cuối đường Việt Hùng đến Cầu Bài (đầu đường Liên Hà).

Tuyến phố duy nhất được đổi tên lần này là phố Nguyễn Trung Ngạn. Đây là tuyến phố có từ thời Pháp thuộc, hiện tại đây là một phố cụt năm giữa hai số nhà 16A và 18 Nguyễn Công Trứ, đoạn đầu rộng khoảng 5m, dài khoảng 20m, không có vỉa hè. Tiếp theo là đoạn dài khoảng 30m được gắn biển ngõ Nguyễn Trung Ngạn với 47 hộ dân, số nhà được người dân đánh theo tên ngõ. Trước đây cuối ngõ có một ngách nhỏ thông sang phố Hàng Chuối và Lò Đúc nay đã bị bịt kín.

Vì vậy, đặt tên phố ở đây không phù hợp với tiêu chí đường, phố và đặc biệt là chưa xứng đáng với những công hiến cho đất nước và Thủ đô của vị Kinh sư đại doãn triều Trần – Nguyễn Trung Ngạn, Hội đồng tư vấn đã quyết định đổi tên phố thành Ngõ 18 Nguyễn Công Trứ, và phố Nguyễn Trung Ngạn sẽ được chuyển về quận Cầu Giấy đoạn từ đường Phạm Hùng (tòa nhà Keangnam) đến ngã tư đường trong khu đô thị mới quận Cầu Giấu (tòa nhà công ty Mobifone).

Đáng chú ý, Hội đồng tư vấn đặt, đổi tên đường, phố và công trình công cộng lần này cũng đã thống nhất đặt tên mới cho hai công trình công cộng đó là Vườn hoa Yécxanh và Vườn hoa Lạc Long Quân. Trong đó Vườn hoa Yécxanh là phần diện tích đất ở khu vực phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, giáp các phố Nguyễn Huy Tự, Lê Quý Đôn và phố Nguyễn Cao với tổng diện tích 1.500m2. Đây là vườn hoa mang tên nhà bác học Pháp nổi tiếng về vi trùng học và dịch tế học, ông đã sang Đông Dương và lập viện Pastxtơ ở Nha Trang, góp phần to lớn vào việc trừ bệnh dịch hạch, bạch cầu và một số bệnh truyền nhiễm trên người và gia súc ở Việt Nam.

Đối với Vườn hoa Lạc Long Quân sẽ là phần diện tích đất ở khu vực cuối đường Nguyễn Hoàng Tôn, quận Tây Hồ, giáp các phố Nguyễn Hoàng Tôn, Lạc Long Quân và đường ven Hồ Tây, với tổng diện tích khu đất 10.000m2, gồm đường dạo và vườn hoa.

Sau khi nghe báo cáo của Sở VHTT&DL, tập thể UBND TP đã cơ bản thống nhất với danh sách đã đươc đưa ra, đồng thời cho rằng việc đặt tên danh nhân cho các tuyến phố phải được làm hết sức cẩn thận và cần có tiêu chí cụ thể. Các đại biểu cho rằng một số đường, phố được đặt tên mới lần này nghe tên còn lạ, chưa được đông đảo nhân dân biết đến, vì vậy khi đặt tên mới cần có thông báo giới thiệu tiểu sử cụ thể và nên lấy tên các vị lãnh đạo, danh nhân có những đóng góp lớn đối với Thủ đô.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thảo gợi ý, đối với những địa danh, di tích lịch sử dùng để đặt tên cho các tuyến phố thì cần phải dễ nghe, dễ hiểu và là hình ảnh gắn liền với người dân nơi đây (ví dụ đường Sen Hồ Tây, phố Sâm Cầm Hồ Tây).

Đối với tên những danh nhân, theo Chủ tịch nên lấy tên những người có công với Thủ đô Hà Nội hoặc là những danh nhân nổi tiếng có đóng góp lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được đông đảo nhân dân biết đến. Chủ tịch giao cho Sở VHTT&DL rà soát lại những tên đường, phố mới sao cho xứng đáng với những tiêu chí đó và chuẩn bị hồ sơ đầy đủ để trình ra HĐND TP tại kỳ họp sắp tới.

L.H