Điều kiện đăng ký giảm vốn điều lệ công ty cổ phần
Xã hội - Ngày đăng : 06:39, 27/10/2011
Trần Minh Tuấn
Luật sư Đào Duy Hoằng (Văn phòng luật sư Trường Tín, ĐT: 0986.622.263, web: www.luattruongtin.com.vn) trả lời:
Khoản 6, Điều 4, Luật Doanh nghiệp; Khoản 4, Điều 6, Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 1-10-2010 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp (Nghị định 102/CP) quy định: Vốn điều lệ là số vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào điều lệ công ty. Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng giá trị mệnh giá số cổ phần đã phát hành. Số cổ phần đã phát hành là số cổ phần mà các cổ đông đã thanh toán đủ cho công ty. Tại thời điểm đăng ký kinh doanh thành lập doanh nghiệp, vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng giá trị mệnh giá các cổ phần do các cổ đông sáng lập và các cổ đông phổ thông khác đã đăng ký mua và được ghi trong điều lệ công ty; số cổ phần này phải được thanh toán đủ trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Pháp luật hiện hành không thừa nhận vốn điều lệ của công ty cổ phần gồm cả giá trị số cổ phần được quyền chào bán. Theo quy định tại Khoản 9, Điều 23, Nghị định 102/CP thì sau 3 năm, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu, nếu số cổ phần được quyền phát hành trong trường hợp các cổ đông sáng lập không đăng ký mua đã được chào bán mà không được bán hết trong thời hạn 3 năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp), công ty phải đăng ký điều chỉnh giảm số vốn được quyền phát hành ngang bằng với số cổ phần đã phát hành.
Như vậy, trong trường hợp nêu trên, do các cổ đông sáng lập của công ty đã đăng ký mua hết cổ phần, nhưng có cổ đông sáng lập không thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua, nên công ty không thuộc diện được đăng ký giảm vốn điều lệ. Để xử lý việc này, Khoản 3, Điều 84, Luật Doanh nghiệp quy định rõ: Các cổ đông sáng lập còn lại góp đủ số cổ phần đó theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty; một hoặc một số cổ đông sáng lập nhận góp đủ số cổ phần đó; huy động người khác không phải là cổ đông sáng lập nhận góp đủ số cổ phần đó; người nhận góp vốn đó đương nhiên trở thành cổ đông sáng lập của công ty. Và cổ đông sáng lập chưa góp cổ phần theo đăng ký đương nhiên không còn là cổ đông của công ty. Khi số cổ phần đăng ký góp của các cổ đông sáng lập chưa được góp đủ, thì các cổ đông sáng lập cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị số cổ phần chưa góp đủ đó.