Thí điểm xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội

Đời sống - Ngày đăng : 06:46, 26/10/2011

(HNM) - Theo lộ trình, từ năm học 2011-2012, các học viện, trường quân đội triển khai thực hiện xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội. Thực hiện chủ trương này, các học viện, trường quân đội, nhất là các nhà trường đứng chân trên địa bàn Hà Nội gặp không ít khó khăn, cần phải tháo gỡ.


Đoàn công tác Bộ Quốc phòng kiểm tra bếp ăn thí điểm xã hội hóa tại Học viện Hậu cần.

Học viện Hậu cần có cơ sở chính tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên (Hà Nội), là đơn vị được Bộ Quốc phòng chọn làm thí điểm thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội từ tháng 9-2009. Chấp hành sự chỉ đạo của trên, Học viện Hậu cần chọn bếp ăn Tiểu đoàn 3, quân số 450 người, áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi. Công ty trách nhiệm hữu hạn PNK, có địa chỉ tại 127 Nguyễn Khoái, Hà Nội trúng thầu. Sau 2 năm triển khai xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội, Ban chỉ đạo của Học viện Hậu cần đánh giá: Nhà thầu thực hiện đúng cam kết theo hợp đồng đã ký, tiền ăn được duy trì, bảo đảm định lượng, cơ cấu món ăn hợp lý, vệ sinh nhà ăn, nhà bếp sạch sẽ, chất lượng chế biến tốt hơn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo khảo sát tại bếp ăn Tiểu đoàn 3, khi chưa xã hội hóa, học viện phải trả lương và các khoản phụ chi cho số quân phục vụ là 888 triệu đồng/năm; khi thực hiện xã hội hóa, học viện phải trả 680 triệu đồng/năm, giảm 23,4%, chưa tính số tiền điện, nước là 35,5 triệu đồng nhà thầu phải trả cho học viện. Như vậy, việc thực hiện xã hội hóa ở Học viện Hậu cần là có hiệu quả.

Đối với Học viện Quốc phòng có trụ sở tại phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy, Hà Nội) thì việc triển khai xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội không thực hiện được do toàn học viện chỉ có một bếp ăn, đối tượng phục vụ khác nhau, quân số ăn không ổn định. Quân số ăn bữa trưa thường vào khoảng 300 người, nhưng buổi chiều chưa đến 20 người, nên không có nhà thầu nào đăng ký.

Xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội là chủ trương đúng, được Quân ủy Trung ương chỉ đạo nghiên cứu lộ trình thực hiện phù hợp. Vấn đề đặt ra trong thực hiện xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội là số quân hiện đang biên chế và hợp đồng dài hạn được cấp thẩm quyền phê duyệt sẽ dôi dư. Nếu không thực hiện tốt, việc xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội sẽ ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận cán bộ, nhân viên nuôi quân, tạo áp lực trong giải quyết chế độ, chính sách. Để có được việc làm ổn định, nhất là trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đối với số người lao động dôi dư không hề dễ dàng. Do vậy, trong tiến trình thực hiện xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội tại các bếp ăn của học viện, trường, cơ quan Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, các đơn vị đóng quân trên địa bàn Thủ đô… Cục Quân lực (Bộ Tổng tham mưu) chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, quy hoạch lực lượng phục vụ tại các bếp ăn phù hợp, vừa giảm quân số, vừa bảo đảm ổn định đời sống bộ đội. Cục Tài chính Bộ Quốc phòng chủ động phối hợp với các cơ quan xác định nguồn kinh phí để thực hiện xã hội hóa, xây dựng cơ chế điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế từng thời điểm… Các đơn vị triển khai thực hiện xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội cần phối hợp với nhà thầu nghiên cứu, đề xuất phương pháp bảo đảm chất lượng bữa ăn cho bộ đội học tập, dã ngoại, nhất là huấn luyện, diễn tập, phù hợp đặc điểm của từng cơ quan, đơn vị.

Bài, ảnh: Xuân Giang