Lãng phí từ tầm nhìn

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:55, 25/10/2011

(HNM) - Cách đây gần 30 năm, dân Thủ đô nói riêng và những người sành thông tin cả nước xôn xao về chuyện thủ đô Băng Cốc luôn khốn khổ vì vấn nạn kẹt xe. Người ta bảo vì nền kinh tế Thái Lan phát triển nóng...

Dư luận này loang dần nhưng hình như các nhà quản lý giao thông (GT) nước ta vẫn “bình chân như vại”. Biểu hiện của sự bình chân này là các dự án công trình giao thông của ta vẫn được lập ra theo kiểu thiếu đâu làm đấy, theo túi tiền nhà nghèo. Tiêu biểu cho cách nghĩ cách làm này là việc cải tạo mở rộng quốc lộ (QL) 1A.

Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương đã đưa vào sử dụng từ năm 2010 nhưng chưa được tiến hành nghiệm thu.


Vừa khổ dân, vừa lãng phí

QL1A là trục xương sống trong hệ thống GT đường bộ nước ta và có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế. Chính vì thế nên vào những năm đầu của thập kỉ 9, thế kỉ XX khi kinh tế rục rịch phát triển thì cũng là lúc QL1A được cải tạo nâng cấp. Khi chứng kiến trục QL quan trọng bậc nhất quốc gia từ chỗ bé xíu, đứt quãng, gập ghềnh, mặt đường quá nửa cấp phối, có chỗ đường đất này thành con đường nhựa bê tông láng mịn rộng 10-12 mét thông suốt từ Bắc chí Nam ai cũng mừng. Nhưng chỉ hơn một thập kỉ sau khi kinh tế nước ta có sự phát triển vượt bậc, số lượng phương tiện đường bộ tăng vọt đã tạo ra sự tắc nghẽn thường xuyên trên QL1A mọi người mới nhận ra "tầm nhìn hạn chế" cùng với sự luyến tiếc: "giá giai đoạn các nước còn sẵn sàng cho Việt Nam vay lãi suất thấp, hay tài trợ vốn thì ta cứ mạnh dạn nâng cấp mở rộng mặt QL này lên 50 mét đúng quy chuẩn đường quốc tế thì đâu đến nỗi". Tiếc một thời cơ đã vuột mất là một chuyện, còn sức ép về GT vận tải, sự gia tăng tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên QL1A ngày càng trầm trọng đã là một thực tế khắc nghiệt. Quyết định 881/QĐ-BGTVT ra ngày 1-4-2010 về dự án cải tạo và nâng cấp QL1A đoạn Thanh Hóa - Diễn Châu (Nghệ An), (đoạn có mật độ phương tiện GT vào loại lớn nhất trong trục đường này) dài 76km có tiêu chuẩn cấp 3 đồng bằng rộng từ 20 đến 21 mét chính là biện pháp cấp bách để giải tỏa sức ép nặng nề kia. Tuy nhiên, trong cách điều hành, quản lý, dự án này có nhiều bất cập, sinh ra lãng phí.

Theo QĐ 881 thì dự án sẽ khởi công vào tháng 4-2011 và hoàn thành vào tháng 12-2012. Điểm bắt đầu từ trung tâm huyện Quảng Xương - Thanh Hóa. Vì là công trình trọng điểm, cấp thiết nên lệnh ban ra nhất thiết phải có mặt bằng sạch (mặt bằng đã được giải phóng) trước Tết Tân Mão để ra Giêng các nhà thầu khởi công. Một cuộc họp của UBND huyện Quảng Xương được mở dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND huyện, quán triệt tầm quan trọng của công trình cùng bàn các biện pháp giải phóng mặt bằng (GPMB) hiệu quả nhất. Nhất nhất các công trình, nhà ở, cửa hàng, vườn tược trong khu vực dự án phải được dọn sạch trước ngày ông Táo về trời 23 tháng Chạp năm Canh Dần. Dân Quảng Xương vốn từng chứng kiến sự thuận lợi của QL1A đoạn chạy qua huyện được cải tạo vào năm 1990, cộng thêm chỉ đạo quyết liệt của UBND huyện, nên 1.700 hộ trong khu vực 12km 8 cần giải tỏa (trong đó có 350 hộ có đất thổ cư, hơn 400 hộ có đất nông nghiệp được đền bù) cấp tốc khắc phục khó khăn của gia đình trong ngày giáp Tết tự nguyện dọp dẹp nhà cửa, di dời công trình dành mặt bằng cho thi công. Ông Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách GPMB gặp tôi hồi tháng 8-2011 bồi hồi nhớ lại cảnh quê mình trước Tết Tân Mão, khi dân cấp tốc dọn dẹp nhà cửa cho GPMB. Muôn sự bộn bề chưa tính đến tâm linh khi người dân tự nguyện dỡ bỏ bàn thờ, di dời mồ mả vào những ngày áp Tết. Vậy mà, sau khi mặt bằng được giải phóng, 8 tháng sau khi tôi vào công tác tại Quảng Xương, dự án vẫn… đắp chiếu. Mặt bằng thi công lác đác đã có sự lấn chiếm. Ngoài 70 hộ có đất thổ cư, 100% hộ có đất được đền bù thì nay còn hàng trăm hộ chưa được đền bù đang nhao nhao đòi chủ đầu tư đền bù với giá mới theo tỉ lệ trượt giá từ trước Tết Tân Mão đến nay. Rồi ngay cả những hộ tái lấn chiếm cũng làm khó dễ cho bộ phận GPMB bằng những đòi hỏi mức đền bù mới. Thế là thêm một lần do sự quản lý xộc xệch, không ăn khớp, sự lãng phí bởi tiền đền bù tăng vọt. Theo một cán bộ của ban quản lý dự án thì với đà này số tiền đền bù GPMB toàn tuyến của dự án 76km chí ít sẽ gấp rưỡi so với con số dự tính ban đầu trong khâu này là 3.000 tỷ đồng.

Một lần không tốn, bốn lần không xong

Vẫn chuyện GPMB - cái túi của sự nhũng nhiều và lãng phí. Tháng 12-1982 Nghị định 203 của Hội đồng Bộ trưởng về diện tích đất dành cho hành lang an toàn giao thông (HLATGT) được ban hành. Theo Nghị định (NĐ) này thì HLATGT mỗi bên đường cách 13,5m tính từ tim đường. Đây là diện tích bất khả xâm phạm và nếu người dân cố tình xây nhà ở hay công trình trong khu vực này thì khi nhà nước cần sẽ không được đền bù. Đáng tiếc, gần 30 năm nay, không ít lãnh đạo xã, huyện, thị trấn, thị xã dường như đã quên hay cố tình quên NĐ 203 của Hội đồng Bộ trưởng nên đã cấp không ít diện tích đất nằm trong khu vực HLATGT cho dân và cho các cơ quan, doanh nghiệp. Vì vậy, đến khi cần mặt bằng thi công các công trình, nhà nước lại tốn khoản tiền rất lớn để đền bù GPMB. Trong dự án cải tạo và mở rộng QL1A đoạn Thanh Hóa - Diễn Châu dài 76km này cũng có vài chục kilômét diện tích có công trình nhà ở, nhà cơ quan, công trình này khác được chính quyền cơ sở quên NĐ 203 mà hồn nhiên cấp giấy phép xây dựng nên khi cần mặt bằng nhà nước trung ương lại thêm một lần đền bù. Một người dân ở huyện Tĩnh Gia có công trình xây trên đất HLATGT khi làm việc với chúng tôi đã nói: "Dân chúng tôi rất mong muốn đường mở rộng. Nếu từ Nam ra Bắc đều thu hồi đất cùng một chế độ thì chúng tôi giao hết, nhưng tiền đền bù mỗi nơi một khác nên chúng tôi phải đòi. Rõ ràng nhà láng giềng được đền bù từ hồi trong Tết, nay đến nhà tôi mới được trả tiền thì chúng tôi phải đề nghị cứ theo giá vàng mà trả". Dù đòi hỏi đó là quá đáng với Nhà nước nhưng cái lỗi thuộc về các cán bộ làm dự án chậm trễ và chính quyền cơ sở "vô tư" cấp giấy phép xây dựng trên đất thuộc HLATGT.

Theo QĐ 881 thì dự án cải tạo và mở rộng QL1A đoạn Thanh Hóa - Diễn Châu khởi công vào tháng 4-2011 nhưng đến nay dự án này vẫn bất động gần như một dự án treo. Tình trạng mặt bằng vẫn loay hoay trong sự tìm vốn để chi trả, đền bù. Nhà thầu vẫn chưa chọn dứt khoát. Nguyên nhân của sự trì trệ và lãng phí bắt đầu từ sự thiếu đồng bộ. Vốn đầu tư ban đầu cho dự án này dự tính xấp xỉ 1.000 tỷ đồng lấy từ nguồn thu phí đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương. Ngân hàng Đầu tư và phát triển là đơn vị mua toàn bộ dự án thu phí này sẽ ứng số vốn ban đầu cho dự án cải tạo. Xác định như vậy nhưng cho đến nay ngân hàng này vẫn chưa đặt bút để kí theo hợp đồng thỏa thuận với Bộ GTVT nên không thể ứng vốn. Lý do ngân hàng này đưa ra vì "đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương chưa nghiệm thu". Trong khi đó đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương đã khánh thành và đưa vào sử dụng từ ngày 3-2-2010. Hai năm trôi qua nhưng không hiểu vì lý do gì Hội đồng nghiệm thu nhà nước vẫn chưa tiến hành nghiệm thu con đường này.

Vậy là, chỉ vì một động thái có tính hành chính thuần túy đã khiến cả một dây chuyền dự án đình trệ. Dân khổ vì GPMB. Ban quản lý dự án khổ vì thiếu vốn. GPMB xôi đỗ khiến sự kiện tụng về trượt giá càng tăng. Lãng phí trong khâu GPMB ngày càng lớn cùng với chi phí để bôi trơn mọi khâu liên quan cho sự khởi động của một dự án càng tăng. Tiền của dân, ngân sách của nhà nước lãng phí không tính được bắt đầu từ những động thái không đâu vào đâu là thế. Từ sự trục trặc của các dự án giao thông người ta mới cắt nghĩa hiện tượng: Giá nhân công làm đường rẻ nhất thế giới mà giá thành một kilômét đường Việt Nam lại gần như đắt nhất thế giới. Một kilômét đường cao tốc 4 làn ở Việt Nam khi kết toán lên đến 18 triệu USD, gấp hơn 3 lần giá một kilômét đường cao tốc tương tự ở Mỹ là 5,6 triệu USD. Chưa hết, giá đền bù cho một kilômét đường cao tốc ở Việt Nam tính sơ sơ cũng lên đến 12 triệu USD… Những sự đội giá tiền này dù do tham nhũng hay do sự thiếu đồng bộ trong quản lý cũng là sự lãng phí một cách thật đáng sợ.

Nguyễn Hiếu