Mặn chát muối nhập khẩu

Kinh tế - Ngày đăng : 06:48, 25/10/2011

(HNM) - Câu chuyện muối ăn, muối công nghiệp khi thừa, khi thiếu, rồi chuyện quản lý nhập khẩu muối nóng bỏng hơn bao giờ hết khi hàng triệu diêm dân đang lay lắt bởi hụt hẫng trong thu nhập.

Sản xuất muối tại Nam Định. Ảnh: Nam Khánh


Phần nổi của tảng băng chìm

Mới đây, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) phát hiện Tổng công ty TNHH Hóa chất cơ bản miền Nam lợi dụng cơ chế ưu đãi thuế để nhập khẩu muối về làm muối công nghiệp nhưng sau đó đã bán 23.000 tấn ra thị trường làm muối ăn. Thực tế này khó chấp nhận khi hàng triệu diêm dân trong nước liên tục phải đối mặt với điệp khúc "được mùa thì mất giá và được giá thì mất mùa". Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng, doanh nghiệp được nhập khẩu muối về với mục đích sử dụng cho công nghiệp mà bán làm muối ăn là hành động sai trái, khó chấp nhận. Qua vụ việc này phải nhìn nhận lại công tác quản lý nhà nước, ở đây là Bộ Công thương nên rà soát, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp từ khâu cấp phép đến khâu sử dụng để kịp thời ngăn chặn những vụ việc tương tự. Thực tế, ngoài các doanh nghiệp nhập khẩu và sử dụng trực tiếp muối công nghiệp cũng có nhiều doanh nghiệp trung gian đã nhập khẩu muối và bán lại cho các doanh nghiệp hóa chất.

Nhiều ý kiến cho rằng, vụ việc 23.000 tấn muối nhập khẩu được bán ra thị trường vừa được phát hiện chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Hiện, bình quân mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 120.000 đến 150.000 tấn muối công nghiệp. Riêng năm 2011, hạn ngạch thuế quan muối nhập khẩu là 102.000 tấn, trong đó 100.000 tấn muối công nghiệp dành cho sản xuất hóa chất và 2.000 tấn muối tinh khiết cho sản phẩm y tế. Về vụ việc này, Bộ Công thương giải thích việc nhập khẩu muối không làm ảnh hưởng đến giá muối trong nước, bởi nhập khẩu muối chủ yếu phục vụ sản xuất công nghiệp, tập trung vào loại muối Việt Nam không sản xuất được. Nhưng thực tế đã hoàn toàn ngược lại, cộng với 23.000 tấn muối bán ra thị trường thì lượng muối đang tồn đọng trong dân càng nhiều thêm, hậu quả thị trường muối trong nước và diêm dân là đối tượng phải "chịu trận" đầu tiên, chưa kể gây thất thu ngân sách nhà nước. Hiện, muối nhập khẩu có giấy phép hạn ngạch được Bộ Công thương cấp hưởng mức thuế quan 10% đối với muối tinh khiết và 15% đối với muối công nghiệp, nhập khẩu thông thường chịu mức thuế 50% với muối tinh khiết và 60% với muối công nghiệp. Về phần trách nhiệm, theo quan điểm của Bộ Công thương, doanh nghiệp làm sai thì phải tự chịu trách nhiệm. Bộ Công thương đang chờ văn bản báo cáo của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Công ty TNHH Hóa chất cơ bản miền Nam giải trình vụ việc. Tuy nhiên, để doanh nghiệp nhập muối công nghiệp sử dụng không đúng mục đích, bán kiếm lời thì trách nhiệm không thể chỉ có mình doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước không thể chối bỏ trách nhiệm liên quan.

Siết chặt nhập khẩu

Theo Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng, việc để doanh nghiệp lách luật là do chưa kiểm soát chặt chẽ từ khâu nhập khẩu đến khi tiêu thụ. Thứ trưởng khẳng định, với những doanh nghiệp đã xin nhập khẩu thêm muối, năm nay không cấp thêm. Có ý kiến cho rằng, chính việc cấp hạn ngạch nhập khẩu mới có sơ hở để doanh nghiệp lợi dụng, vì vậy việc quản lý nhập khẩu muối nên bằng chính sách thuế chứ không phải hạn ngạch.

Mới đây, tại hội nghị về sản xuất muối, hàng loạt vấn đề của ngành đã được đặt ra như các doanh nghiệp kinh doanh chưa tiếp cận được các nguồn vốn; thu nhập và đời sống diêm dân gặp khó khăn nên không mặn mà trong đầu tư sản xuất. Trong đó, nhiều ý kiến nhấn mạnh đến tình trạng dư thừa muối tiêu dùng nhưng muối chất lượng cao cho ngành hóa chất và các ngành khác lại chưa đáp ứng đủ nhu cầu; việc cấp hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất muối và đời sống diêm dân. Trong khi các mặt hàng thiết yếu tăng cao, giá muối chỉ dao động từ 800 đến 1.200 đồng/kg, khiến đời sống diêm dân gặp khó khăn.

Để tránh những mùa muối "đắng" cho diêm dân và đưa thị trường muối đi vào ổn định, Bộ NN&PTNT đang nghiên cứu xây dựng đề án tổng thể gồm việc quy hoạch vùng sản xuất muối; áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng các dây chuyền sản xuất muối dùng cho công nghiệp… Trong năm 2012, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng quy hoạch phát triển muối đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên cơ sở rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch vùng muối trên phạm vi cả nước, theo hướng tập trung vào những vùng thuận lợi sản xuất muối. Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng cho biết, 5 dự án mô hình sản xuất muối sạch do Bộ NN&PTNT đề xuất xây dựng trong năm 2012 sẽ đặt tại Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng kinh phí 1 tỷ đồng. Ngoài ra, sẽ tiếp tục cải tạo cơ sở hạ tầng đồng muối đang quy hoạch; đầu tư kho dự trữ muối quốc gia theo quy hoạch đã được phê duyệt nhằm tăng lượng muối trắng dự trữ, vừa bảo đảm an ninh muối và điều tiết thị trường khi cần thiết.

Chí Đạo