Đầu tư, cắt giảm dàn trải vẫn là “bệnh trầm kha”
Chính trị - Ngày đăng : 11:09, 24/10/2011
Đề cập đến các yếu kém trong thực hiện dự toán ngân sách năm 2011, đại biểu Trịnh Thế Khiết cho rằng, khâu kiểm soát giá và chính sách thu, quản lý nguồn thu của Chính phủ trong năm qua chưa đáp ứng được yêu cầu. Ông dẫn chứng, các mặt hàng như xăng tăng 48%, khí đốt tăng 28%, VLXD tăng 21%, phân bón tăng 25%... đã ảnh hưởng đến các điều kiện phát triển của đất nước. Trong khi đó, về chính sách thu, chúng ta bảo trợ cho doanh nghiệp nước ngoài nhiều, cụ thể là các doanh nghiệp sản xuất ô tô khi giá xe trong nước cao gấp 2 lần giá các nước xung quanh, mà phần thuế từ chênh lệch giá lại chủ yếu rơi vào túi doanh nghiệp nước ngoài.
Đại biểu Khiết kiến nghị, trong năm 2012, đối với chi cho đầu tư công và chi cho các công trình, cần ưu tiên chi cho việc xây dựng các hệ thống giao thông huyết mạch và hệ thống giao thông chính, còn hệ thống giao thông lẻ thì đầu tư dần; đầu tư cho con người thì nên đầu tư mạnh vào khoa học công nghệ cao có chọn lọc, tránh dàn trải, có như vậy đất nước mới có cơ hội phát triển.
Cùng quan tâm đến lĩnh vực giao thông, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh kiến nghị, cần phải cải thiện mạnh giao thông đô thị, giảm ùn tắc giao thông, trong đó ưu tiên giải pháp dành làn đường riêng cho xe buýt, có vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ, dùng thẻ từ cho lái xe và xử lý vi phạm giao thông bằng thẻ từ này, như vậy vừa tăng chất lượng lái xe, vừa giảm được tai nạn giao thông…
Cho ý kiến về việc xây dựng dự toán 2012, đại biểu Nguyễn Hồng Sơn thống nhất với một số trình tự ưu tiên nhưng lưu ý cần xem xét lại việc giảm đầu tư như thế nào cho hợp lý.
“Nếu chúng ta giảm đầu tư một cách cực đoan thì nền kinh tế sẽ bị suy giảm. Chúng ta kiên quyết quản lý đầu tư dàn trải nhưng nguồn vốn đó phải được chuyển sang cho các công trình trọng điểm để đảm bảo kinh tế phát triển, chống suy giảm”, ông nói.
Về nguồn thu, theo ông, cần xem mức độ xây dựng kế hoạch nguồn thu với doanh nghiệp, nhất là khi đang xem xét giảm, miễn thuế với DN thì có ảnh hưởng đến nguồn thu không. Với nguồn thu từ đất, cần xem xét lại chính sách với nguồn thu này bởi thường nguồn thu này không được dự báo một cách chính xác và đầy đủ bởi kế hoạch đấu giá ở một số địa phương không có lợi thế về đất khó thực hiện được. Ông cũng nhất trí, với dự toán chi, phải có những ngành trọng điểm, ưu tiên mức độ đầu tư cho những ngành đó như thế nào.
Chung nhận xét với một số đại biểu, đại biểu Nguyễn Quốc Bình đánh giá, dự toán chi năm 2012 vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Cụ thể, ông cho rằng trong đầu tư cơ cấu lại đầu tư công, Chính phủ vẫn còn dàn trải, làm quá nhiều sân bay quốc tế và cảng biển, như vậy không phù hợp với tiềm lực kinh tế và ngân sách.
Theo đại biểu Bình, Chính phủ nên tập trung đầu tư cho đường bộ, trong đó chú trọng các dự án đường cao tốc Bắc - Nam, đường liên thôn, liên xã, liên huyện, bởi kinh tế của nước ta là nông nghiệp, phân bổ trên nhiều vùng của đất nước nên nếu không phát triển đường bộ thì không thực tế.
Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch, Trưởng Ban tổ chức cán bộ Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nhất trí cần khắc phục bệnh đầu tư và cắt giảm dàn trải. Ông lấy ví dụ dự án của đơn vị mình là dự án chuyển trường Đại học Quốc gia lên Láng – Hòa Lạc, do Bộ Giao thông làm chủ đầu tư.
“Với mức đầu tư 150 tỷ đồng mỗi năm cho dự án này như hiện nay, nếu tính trượt giá và các yếu tố khác, phải 200 năm nữa dự án này mới hoàn thành”, đại biểu Thạch nói.
Chia sẻ bức xúc cùng các đại biểu, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội Phạm Quang Nghị nói: “Chúng ta thấy ai cũng kêu đầu tư dàn trải nhưng chưa ai hay ngành nào nói “nên cắt chỗ tôi” hay ngành nào nói “chúng tôi triển khai không hiệu quả”....