Những lưu ý khi chọn và dùng sữa cho trẻ
Sức khỏe - Ngày đăng : 10:31, 24/10/2011
Sữa mẹ luôn là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển, hoàn thiện về tinh thần và thể chất của trẻ. Vì nhiều nguyên nhân, những trẻ không được bú sữa mẹ sẽ được sử dụng sữa thay thế. Tuy nhiên, không ít phụ huynh chọn sữa cho con dựa vào cảm tính, vào lời quảng cáo tâng bốc mà không quan tâm đến thành phần cũng như cơ địa của trẻ có phù hợp với loại sữa ấy hay không?
Phân loại sữa
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Tín, Phó khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết sữa được chia làm 4 loại chính:
1. Phân loại theo đạm: đạm đậu nành và đạm thực vật (không đường lactose).
2. Sữa bột chế biến từ sữa bò: chia làm 3 loại: sữa nguyên kem, sữa thủy phân (gồm thủy phân hoàn toàn và thủy phân không hoàn toàn), sữa tách bơ.
3. Sữa chia theo lứa tuổi: dành cho trẻ từ 0-6 tháng tuổi; từ 6 tháng đến 1 tuổi; sữa cho trẻ trên 1 tuổi.
4. Sữa chia theo bệnh lý: sữa dành cho trẻ bị dị ứng sữa bò (sữa thủy phân hoàn toàn và sữa đậu nành, tuy nhiên một số trẻ vẫn có thể dị ứng cả sữa bò và sữa đậu nành); sữa dành cho trẻ phòng ngừa dị ứng sữa bò (uống sữa thủy phân một phần); sữa dành cho trẻ trào ngược dạ dày thực quản (bổ sung một số chất xơ hòa tan, giúp trẻ tránh được hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản); sữa dành cho trẻ béo phì (sữa tách bơ hoàn toàn, sữa giảm chất béo); sữa năng lượng cao (hàm lượng dinh dưỡng tương đương với thực phẩm, thường được dùng cho trẻ suy dinh dưỡng); sữa lastose free (sữa không chứa đường lastose, dành cho trẻ không tiêu hóa và dung nạp đường này).
Chọn sữa phù hợp cho trẻ
Để chọn cho trẻ loại sữa thích hợp, phụ huynh cần xem trẻ thuộc nhóm nào: suy dinh dưỡng hay béo phì, có dị ứng sữa bò hay không…
Với trẻ dưới 5 tuổi, phụ huynh không nên cho trẻ uống sữa tách bơ vì đây là giai đoạn trẻ tăng trưởng, sữa tách bơ có hàm lượng năng lượng thấp sẽ hạn chế sự phát triển của trẻ.
Với trẻ suy dinh dưỡng nên chọn sữa năng lượng cao. Trong 100 ml sữa có chứa 100 kcal năng lượng cao, gần tương đương với thực phẩm sẽ giúp trẻ suy dinh dưỡng bổ sung năng lượng theo nhu cầu.
Hạn chế thay đổi sữa cho trẻ, vì hầu hết hàm lượng dinh dưỡng các loại sữa đều giống nhau, chỉ khác là có thể bổ sung thêm thành phần này hoặc thành phần kia.
Phụ huynh nên chọn sữa tùy thuộc vào nhu cầu của trẻ, khả năng thích hợp và tài chính của gia đình.
Những lưu ý khi cho trẻ dùng sữa
Trước bữa ăn chính 2 giờ không nên cho trẻ uống sữa. Chỉ nên bổ sung sữa cho trẻ sau khi ăn một giờ.
Sữa pha xong nên dùng ngay. Nếu không dùng nên bảo quản trong tủ lạnh (ở nhiệt độ 4 độ C có thể giữ sữa trong vòng 24 giờ). Sữa bảo quản trong tủ lạnh khi mang ra ngoài chỉ nên sử dụng trong vòng 2 giờ. Sử dụng không hết thì bỏ, không nên hâm nóng hoặc cất vào tủ lạnh, vì vi sinh từ miệng bé gặp sữa sẽ có cơ hội phát triển. Vì vậy, chỉ nên pha đủ số lượng sữa theo nhu cầu của bé, không nên pha thừa cho mỗi lần bú. Không dùng lò vi sóng để hâm nóng sữa cho trẻ, vì có thể ly đựng sữa vẫn còn mát trong khi sữa đã nóng, nếu không cẩn thận, sữa có thể làm phỏng miệng trẻ.
Khi pha sữa nên pha đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Tùy loại sữa, nhà sản xuất sẽ hướng dẫn cách pha chế, nhiệt độ nước để pha sữa, lượng sữa bột và lượng nước phù hợp để giúp trẻ tiêu hóa và hấp thu tốt.
Đối với sữa chua, bản thân nó đã chứa rất nhiều men vi sinh tốt cho cơ thể. Vì vậy, dù bổ sung thêm thành phần này hay thành phần kia thì không thể nói vì những thành phần đó tốt nên sữa chua mới tốt. Ngay cả khi không bổ sung những thành phần này thì sữa chua cũng rất tốt.
Tất cả các hãng sữa đều cố gắng chế biến ra loại sữa có chứa những thành phần tương tự sữa mẹ. Vì vậy, ngoài những trường hợp mẹ mang bệnh lý được bác sĩ chỉ định không cho bú mẹ, với các trường hợp khác nên cố gắng cho trẻ bú sữa mẹ trong khả năng có thể.