Cuộc đoàn tụ lịch sử
Thế giới - Ngày đăng : 06:55, 24/10/2011
Các tù nhân Palestine được trở về nhà ngày 18-10 vừa qua trong cuộc trao đổi tù nhân đợt đầu giữa Palestine và Israel. |
Theo đó, ngày 18-10, những tù nhân Palestine đầu tiên trao đổi với binh sỹ Israel Gilad Shalit đã rời các nhà tù của Israel. Theo thỏa thuận, để đổi lấy tự do cho binh sỹ Gilad Shalit bị giam giữ ở Gaza 5 năm qua, Israel sẽ trả tự do cho tổng cộng 1.027 tù nhân Palestine. Trong đó hàng trăm người đang thụ án chung thân tại Israel. Đợt trao trả đầu tiên có 477 tù nhân Palestine, gồm 27 phụ nữ.
Cuộc trao đổi này đã từng được đề xuất trước đó. Sau chiến dịch quân sự dài 22 ngày ở Dải Gaza (từ 27-12-2008 đến 17-1-2009), Israel đã tỏ ra mềm dẻo hơn khi bày tỏ mong muốn thúc đẩy việc trao đổi tù nhân để Phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas trả tự do cho binh sĩ Gilad Shalit (bị bắt giữ từ năm 2006). Tuy nhiên, cả hai phía lúc đó đã không đạt được lòng tin để vượt qua trở ngại. Bước đột phá có được nhờ vai trò trung gian của Ai Cập và ngày 12-10, Hamas và Israel đã đạt được thỏa thuận trao đổi tù nhân lịch sử với tỷ lệ kinh ngạc 1/1.027. Trong đợt đầu, 297 người Palestine sẽ được về Gaza, 117 người về nhà ở Bờ Tây và 15 người được đoàn tụ với gia đình tại khu của người Arập ở Đông Jerusalem. Ngoài ra, một số người Israel gốc Arập sẽ về nhà ở Israel và một phụ nữ được về Jordan. 40 người Palestine còn lại trong đợt này sẽ tới các nước nhận cho cư trú như: Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Qatar.
Tại các vùng lãnh thổ của Palestine, người ta đã chuẩn bị một buổi lễ lớn để chào mừng các chiến binh được coi là những anh hùng dân tộc trở về. Hamas đã tuyên bố ngày 18-10 là quốc lễ và sẽ tổ chức ba ngày lễ hội tại các thị trấn và thành phố trên khắp lãnh thổ Bờ Tây. Còn tại Israel, cả nước cũng nồng nhiệt chào đón binh sỹ Shalit trở về. Dư luận quốc tế đã lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận lịch sử này. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ca ngợi cuộc trao đổi là sự chấm dứt một thử thách kéo dài. Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron bày tỏ hy vọng sự kiện này sẽ đưa khu vực tiến gần hơn với triển vọng hòa bình. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng hoan nghênh cuộc trao đổi tù binh tại Trung Đông; đồng thời đánh giá cao vai trò trung gian hòa giải của Ai Cập. Bộ Ngoại giao Iran cũng hoan nghênh thỏa thuận trao đổi tù nhân giữa Israel và Palestine...
Dư luận cho rằng, thỏa thuận tự do cho các tù binh vừa có được giữa hai dân tộc Palestine và Do Thái đã tạo ra những tiền đề quan trọng, là động lực cổ vũ những nhân tố tích cực cho hòa bình Trung Đông khi tiến trình đàm phán trực tiếp giữa Israel và Palestine đã bị ngưng trệ từ tháng 9-2010. Cho dù có những quan ngại của Nhà Trắng về một số tù nhân được phóng thích, nhưng rõ ràng, niềm tin của hai phía đã có những cải thiện nhất định. Trước hết, đây sẽ là động lực để cuộc gặp riêng rẽ với giới chức Israel và Palestine (dự kiến ngày 26-10) của nhóm Bộ Tứ về hòa bình Trung Đông (gồm Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nga và Mỹ) tại Jerusalem, sẽ có thêm nhân tố tích cực cho lộ trình nối lại hòa đàm Trung Đông.
Hiện tại, quan hệ Israel - Palestine vẫn còn có nhiều trở ngại không dễ vượt qua như kế hoạch tiếp tục xây dựng các khu định cư mới tại các vùng lãnh thổ Palestine bị Israel chiếm đóng; nhưng rõ ràng, cuộc đoàn tụ lịch sử đang diễn ra cũng đã làm dấy lên hy vọng mới về hòa bình ở Trung Đông.