“Lạc trong rung động”: Thể nghiệm của cảm xúc

Văn hóa - Ngày đăng : 06:45, 24/10/2011

(HNM) - Cuối tuần qua, buổi biểu diễn đàn tranh tại Viện Goethe Hà Nội khiến người nghe "Lạc trong rung động" đúng như tên gọi của tác phẩm chủ đề. Được viết bởi nghệ sĩ đàn tranh nổi tiếng Nguyễn Thanh Thủy, "Lạc trong rung động" do nhóm nhạc Suối Tranh trình diễn bằng 6 cây đàn tranh với những kỹ thuật điêu luyện.

"Lạc trong rung động" là một buổi hòa nhạc chỉ dùng đàn tranh - nhạc cụ truyền thống của dân tộc, nhưng 6 cây đàn này không chơi các bản nhạc truyền thống, mà cùng tấu một bản nhạc do nghệ sĩ Thanh Thủy sáng tác riêng, trong đó cảm xúc được thể hiện qua những giai điệu từ đàn tranh, đôi khi nghe rất lạ. Đó là bởi trong tác phẩm này, các nghệ sĩ đã dùng những cây vĩ để chơi đàn tranh cùng với các móng gẩy như thông thường.

Nghệ sĩ đàn tranh Nguyễn Thanh Thủy.

Gắn bó với đàn tranh từ nhỏ, Nguyễn Thanh Thủy từng giành giải đặc biệt cuộc thi "Tài năng trẻ đàn tranh toàn quốc". Hiện chị là giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và là nghệ sĩ trình diễn nghệ thuật thể nghiệm nổi bật cả trong và ngoài nước. Với "Lạc trong rung động", lần đầu tiên Thanh Thủy xuất hiện trong vai trò là tác giả một bản nhạc với ba chương mang đậm màu sắc đương đại. Đó thật sự là một tác phẩm dung hòa được cả tính truyền thống của đàn tranh và âm nhạc đương đại mà Thanh Thủy muốn tìm không gian thể nghiệm bấy lâu. "Nhiều năm qua, tôi cảm thấy như bị lạc lõng. Trong cả hai dòng nhạc cổ và mới, tôi đều không tìm được đất cho nghệ thuật của mình. Và "Lạc trong rung động" ra đời từ những cảm xúc cô độc ấy". Đó cũng là một cố gắng tìm ra cách thể hiện mới, tìm ra không gian mới cho cây đàn tranh và âm nhạc truyền thống của Thanh Thủy.

Sáu nghệ sĩ với 6 cây đàn tranh đã mang tới cho người nghe những cung bậc cảm xúc ấn tượng. Suốt buổi diễn, họ dường như quên hết khán phòng chật cứng người, hoàn toàn thả mình vào những móng gẩy, dây đàn và cây vĩ. Có lúc là sự trong trẻo, ngân nga vốn có của đàn tranh, khi lại thánh thót như thanh âm từ xa vọng lại, lúc thì mềm mại như làn suối mát lành. Rồi đột ngột im lặng, những âm thanh khô khốc vang lên, lúc thảng thốt, khi dữ dội… Nhịp điệu chuyển đột ngột từ nhanh sang chậm, từ chầm chậm sang hối hả liên tục. Đặc biệt, khi 6 nghệ sĩ cùng sử dụng cây vĩ để kéo dây đàn tranh, tạo ra những âm thanh khác lạ, lạnh lùng, chói tai khắc họa thêm sự bấn loạn, bí bách. Cả bản nhạc "Lạc trong rung động" tuy có nhiều phần nhạc mềm mại, dìu dặt, song cứ mang một cảm giác cô độc đến khôn cùng. Đó hẳn là sự cô độc của đàn tranh và âm nhạc truyền thống trong đời sống âm nhạc hiện nay?

Nguyễn Thanh Thủy đã rất thành công khi biểu diễn đàn tranh, các album chơi đàn tranh nhạc cổ truyền trước đó của chị được nhiều người yêu thích. Không dừng lại ở đó, Thanh Thủy dũng cảm dấn thân vào con đường thể nghiệm, vừa biểu diễn vừa sáng tác. Cũng giống như các bản nhạc gần đây của Ngọc Đại, một số người nghe có thể không thích "Lạc trong rung động", vì nghĩ nó quá nhiều tạp âm, ít giai điệu và không theo lề lối nhịp điệu, âm giai vốn có. Song đây vẫn là những sáng tạo, thể nghiệm đáng ghi nhận, bởi truyền thống của ngày mai đang được xây dựng từ hôm nay.

Tần Tần