Tunisia: Kỳ vọng và thách thức

Thế giới - Ngày đăng : 06:25, 24/10/2011

(HNM) - Chín tháng sau cuộc nổi dậy mang tên "Cách mạng hoa nhài" lật đổ Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali, ngày 23-10, Tunisia đã bước vào cuộc bầu cử đầu tiên.


Theo Cơ quan độc lập đặc trách về bầu cử (ISIE), có khoảng 1.424 danh sách tranh cử, tức là gần 11.000 ứng viên tranh ghế dân biểu Quốc hội ở 27 đơn vị bầu cử. Riêng cộng đồng người Tunisia hải ngoại sẽ bỏ phiếu tại 6 đơn vị khác nhau (2 tại Pháp, 1 ở Italia, 1 ở Đức, 1 ở Bắc Mỹ và 1 ở các nước Arab) để bầu ra 19 ghế đại diện trong tổng số 217 ghế của Quốc hội tương lai. Quốc hội sẽ soạn thảo Hiến pháp mới trong vòng một năm và bổ nhiệm một chính phủ lâm thời. Cử tri Tunisia hân hoan cầm lá phiếu lựa chọn người lãnh đạo, hàng trăm quan sát viên bầu cử nước ngoài, hàng nghìn người dân tham gia giám sát... Với những gì đã diễn ra, Ủy ban Giám sát Liên minh châu Âu (EU) cho rằng toàn bộ chiến dịch tranh cử đã diễn ra minh bạch.

Cử tri Tunisia bỏ phiếu tại một điểm ở thủ đô nước này trong ngày 23-10.

Để có cuộc bầu cử này, Tunisia phải trải qua một chặng đường dài khó nhọc. Đây là quốc gia đầu tiên trong khối Trung Đông - Bắc Phi bùng nổ làn sóng biểu tình chống chính phủ, buộc nhà lãnh đạo Ben Ali phải từ chức (ngày 14-1-2011).

Thế nhưng, từ đó đến nay, bất chấp việc ông Ben Ali phải rời khỏi vũ đài chính trị, giới lãnh đạo mới của Tunisia vẫn phải đối mặt với những bất ổn vì bạo động vẫn xảy ra liên tiếp tại nhiều nơi. Người dân vẫn chưa hài lòng sau cuộc lật đổ gia đình Ben Ali. Họ tiếp tục đòi một chính phủ hoàn toàn vắng bóng các nhân vật thuộc chính quyền cũ. Lệnh truy nã Ben Ali cùng gần 200 nhân vật thân cận và phong tỏa tài sản đã được ban hành. Biểu tình vẫn tiếp diễn trên đường phố. Dưới sức ép liên tục của những người biểu tình, Tunisia đã thực hiện cải tổ nội các, nhiều đồng minh của Tổng thống bị lật đổ Ben Ali đã ra đi. Thậm chí, hồi tháng 8-2011, Thủ tướng Baji Kaid Sabsi phải thông báo cuộc bầu cử dự kiến diễn ra tháng 7-2011 sẽ lui lại tới ngày 23-10 để bảo đảm tính tự do và minh bạch. Theo ông Kaid Sabsi sự trì hoãn này nhằm tạo điều kiện để chính phủ có thêm thời gian sửa đổi nền dân chủ sau khi chế độ của Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali sụp đổ và cuộc sửa đổi Hiến pháp đang là vấn đề nhạy cảm tại quốc gia này.

Các cuộc vận động tranh cử tại Tunisia đã bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về sự chia rẽ giữa người Hồi giáo và những người theo chủ nghĩa thế tục và sự thờ ơ của cử tri... Giới phân tích lo lắng, "bóng ma" chủ yếu đến từ tàn dư của đảng do ông Ben Ali đứng đầu, giờ đây bị xé thành nhiều nhóm chính trị nhỏ khác nhau. Điểm mới trên chính trường Tunisia là sự hiện diện của đảng el-Majd của ông Abdel Wahab Hani, được xem là trung dung. Nhưng, điều làm người ta lo ngại là sự xuất hiện của những người "Hồi giáo cực đoan" thuộc đảng Ennahda (Phục hưng).

Mặc dù trong "Cách mạng hoa nhài" những người này không có vai trò đáng kể, nhưng qua thăm dò, họ đã chiếm ưu thế với mong muốn mở rộng tầm ảnh hưởng tư tưởng Hồi giáo. Đảng Dân chủ cấp tiến (PDP) do ông Nejib Chebbi lãnh đạo được xem là đối thủ nặng ký của đảng Ennahda. Tuy nhiên đảng này lại không được giới doanh nhân ủng hộ.

Theo các nhà quan sát tại chỗ trong 24 giờ qua, đảng Hồi giáo Ennahda nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng, mặc dù chưa rõ liệu đảng này có giành được đa số phiếu hay không. Nhưng, đảng nào giành thắng lợi sau bầu cử cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi chèo lái con thuyền kinh tế Tunisia vốn là nỗi thất vọng của dân chúng, là nguyên nhân chính làm bùng nổ "Cách mạng hoa nhài" khiến cả thế giới Arab rung chuyển.

Thanh Hải