Tìm “thuốc giải” cho nợ công
Thế giới - Ngày đăng : 07:28, 23/10/2011
Kể từ khi bùng phát tại "tâm chấn" Hy Lạp, đây không phải là lần đầu tiên các nguyên thủ EU nhóm họp để tìm kiếm giải pháp cứu các quốc gia đang vùng vẫy trong vũng lầy tài chính. Tuy nhiên, căn bệnh nợ công vẫn tiếp tục lây lan ngày càng trầm trọng bất chấp các liệu pháp "thắt lưng, buộc bụng" hà khắc cùng nhiều gói cứu trợ lớn đã được tung ra. Ngay cả Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF), vừa được "nâng cấp" từ 440 tỷ euro lên 780 tỷ euro và sau Hội nghị Thượng đỉnh lần này có thể lên tới 2.000 tỷ euro, cũng chưa chắc cải thiện được tình trạng "kháng thuốc" của chủng virus "nợ công" đang ăn mòn vị thế của đồng euro. Vì sau Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha, mối lo thực sự của giới đầu tư đang nằm ở Tây Ban Nha và Italia. Với tổng mức nợ công lên tới gần 2.500 tỷ euro, nếu nền kinh tế lớn thứ 3 và thứ 4 châu Âu tiếp tục là "gót chân Asin" thì Cựu lục địa khó tránh được cơn ác mộng của những ngày đen tối.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy chưa tìm được tiếng nói chung trong kế hoạch tiếp theo nhằm giải quyết khủng hoảng nợ công của châu Âu. |
Rắc rối khó giải quyết nhất của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hiện nay nằm ở chỗ, mặc dù các quốc gia thành viên sử dụng cùng một đồng tiền nhưng nền tài chính của các nước lại độc lập. Điều này tạo mâu thuẫn mang tính kết cấu, trong đó đồng tiền thống nhất và các nền tài chính riêng biệt là điều rất khó có thể điều hòa. Đây là trở ngại mang tính dài hạn, không dễ giải quyết trong một sớm, một chiều. Nhất là trong bối cảnh các nền kinh tế đều cần bảo vệ hoặc được rót vốn để tồn tại như hiện nay. Vấn đề đáng lo ngại trước mắt của Eurozone lúc này là, sau một thời gian chống trả sức tấn công ồ ạt của các món nợ công, các trụ cột kinh tế của châu lục dù rất mạnh như Đức và Pháp cũng đang dần đuối sức. Số liệu của cơ quan thống kê Liên bang Ðức cho thấy sự tụt dốc của nền kinh tế lớn nhất Eurozone khi GDP quý II chỉ tăng 0,1%, mức thấp nhất trong hơn hai năm qua và bỏ xa tốc độ tăng 1,3% ngay trong quý I. Trong khi đó, tăng trưởng GDP của Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone, trì trệ ở mức 0% càng làm gia tăng quan ngại châu lục này sẽ rơi vào thời kỳ suy thoái mới. Trong bối cảnh như vậy, thực lực để duy trì EFSF đã là vô cùng khó chứ chưa nói gì đến mở rộng. Vì thế, thời gian qua, mỗi lần phê chuẩn gói tài chính vào EFSF là một lần chính phủ các nước thành viên đứng trước nguy cơ đổ vỡ.
Không thể hy vọng quá nhiều vào những biện pháp từ Mỹ và cũng không thể quá tin một Trung Quốc đang có những động thái hào phóng, châu Âu đành phải nhìn "chiếc phao" cứu sinh - EFSF - đang dần quá tải. Từ chỗ quyết giải cứu từng mắt xích nợ công trong khu vực, thời gian gần đây, lập trường của nhiều tổ chức kinh tế châu Âu đã thay đổi. Đã có toan tính về khả năng để Hy Lạp vỡ nợ một cách có trật tự. Thậm chí, có ý kiến cho rằng cần gạt bỏ hoặc cách ly xứ sở các vị Thần như một biện pháp nhằm bảo toàn đại cục cho Eurozone. Song vấn đề ở chỗ, khi các thành viên yếu kém ngày một nhiều, hậu quả của biện pháp này có thể là sự tan rã của Eurozone. Điều này xảy ra sẽ làm hỏng giấc mơ của Cựu lục địa về một cường quốc châu Âu hùng mạnh.
Chưa có "thuốc đặc trị", nền kinh tế ngày càng trở nên suy nhược, cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo EU diễn ra trong lúc Hy Lạp rung chuyển bởi làn sóng phản đối chính sách thắt chặt chi tiêu của chính phủ, nền kinh tế Tây Ban Nha và hàng chục ngân hàng Italia vừa bị các cơ quan đánh giá tín nhiệm quốc tế hạ bậc tín nhiệm. Trạng thái hoang mang không giảm khi ngay trước thềm hội nghị, hai quốc gia trụ cột của châu lục là Đức và Pháp vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về kế hoạch tổng thể giải quyết khủng hoảng nợ công hiện nay ở châu Âu. Nếu EU không hành động kịp thời và dứt khoát để cứu nền tài chính khu vực thì đây sẽ là đêm trước của sự bất ổn kinh tế toàn cầu.