Bài cuối: Thầm lặng làm nên huyền thoại
Giới trẻ - Ngày đăng : 05:59, 23/10/2011
(HNM) - Vậy là Báo Hànộimới đã hoàn tất hành trình theo dấu đường Hồ Chí Minh trên biển với loạt 24 bài viết và hôm nay là bài cuối, đăng đúng dịp cả nước tưng bừng kỷ niệm 50 năm ngày mở đường. Kể từ ngày những con tàu gỗ đầu tiên, vượt bao gian khổ, hiểm nguy mở đường ra Bắc như Bác Hồ từng khen ngợi "Đi biển kiểu ấy xưa nay chỉ có Cri-xtốp Cô-lông và các chú".
Tính đến ngày toàn thắng, chúng ta đã huy động được gần 2.000 lượt tàu, vượt gần 4 triệu hải lý, vận chuyển gần 8 vạn lượt người, trên 15 vạn tấn vũ khí, đạn dược và hàng vạn tấn hàng hóa... góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam. Nửa thế kỷ đã trôi qua, càng khẳng định chiến công sáng chói Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh: Những bài học kinh nghiệm, sự hy sinh cao cả và những chiến công oanh liệt của CBCS và nhân dân ta trên đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn còn nguyên ý nghĩa thôi thúc, nhắc nhở, động viên, khích lệ chúng ta hôm nay.
Tàu vận tải Đoàn 125 cải trang thành tàu đánh cá, trên đường vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam, tháng 4/1966. |
Về Duyên Hải, thăm bến Cồn Tàu
Hôm về Duyên Hải (Trà Vinh) mưa như trút nước, cũng bởi vậy nên dễ tìm gặp các CCB Đoàn 962 cụm bến ở đây. Ông Lê Văn Tộc người ấp Láng Cháo, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Dân Thành hồ hởi tâm sự: Đầu năm nay mới thành lập được Hội CCB Đoàn 962 cụm bến Trà Vinh rà soát lại cũng chỉ còn chưa đầy 30 người.
Không như ở Cà Mau, cụm bến Trà Vinh thuộc các xã của huyện Duyên Hải, nằm giữa hai cửa sông Cổ Chiên và Định An, ở thế cài răng lược với những vùng địch đang chiếm đóng. Lúc ấy Trà Vinh tổ chức hai cụm bến ở vàm Rạch Cỏ - La Gi (xã Long Vĩnh) và Phước Thiện, Hồ Tàu, Khâu Lầu, Láng Nước (xã Trường Long Hòa). Ở đây vùng rừng ngập mặn hầu hết là cây tán thấp như dừa nước, chà là, bần… vì vậy đưa tàu "không số" cập bờ, chuyển hàng lên đã khó, việc dựng kho, giấu hàng rồi tiếp tục chuyển vũ khí, đạn dược cho các mặt trận lại càng nguy hiểm bội phần. Long Vĩnh và Trường Long Hòa là hai xã thuộc vùng kiểm soát của ta luôn bị biệt kích, thám báo lùng sục. Chỉ riêng chuyện làm sao che mắt được bọn chúng khi tháng nào cũng phải nạo vét hàng nghìn mét khối bùn đất ở các bến để sẵn sàng đón tàu đã thấy không đơn giản. Ấy thế mà ta đã chọn những địa điểm xây dựng kho tàng, địch không thể ngờ tới. Ngay xã Long Khánh, có những kho vũ khí của ta chỉ nằm cách chi khu quân sự của địch chưa đầy một nghìn mét. Ông Tộc bảo, ăn nhau là bất ngờ, hằng ngày Mỹ - ngụy đổ quân càn quét mọi nơi nhưng không bao giờ lại nghĩ rằng, ta làm kho ngay sát nách căn cứ của chúng. Để thực hiện những phương án táo bạo như vậy không có cách nào khác là phải dựa vào dân, xây dựng "trận địa lòng dân" thành vành đai an toàn quanh từng bến, từng kho trạm.
Cụm bến Trà Vinh biên chế tương đương một tiểu đoàn, ngoài các đơn vị kho và đội thuyền làm nhiệm vụ dẫn đường cho tàu vào bến còn có một đại đội cơ động phòng thủ, sẵn sàng ứng phó khi địch tấn công vào cứ. Trong đại đội này, ông Lê Văn Tộc là trung đội trưởng trinh sát. Ông kể, hằng ngày, trung đội chia thành nhiều nhóm theo dõi tình hình địch, nếu có diễn biến khác thường thì một mặt báo cho các đơn vị kho trạm cảnh giác đề phòng, một mặt tổ chức chiến đấu chống càn, bảo vệ căn cứ. Nhớ nhất là trận chiến đấu ngày 20-6-1966. Rạng sáng hôm ấy, tàu "không số" 187 của thuyền trưởng Phan Xã chuẩn bị cập bến vàm Ba Động, chỉ cách bờ chừng 1-2 hải lý thì bị máy bay của địch phát hiện nhào tới thả pháo sáng để 5 chiếc tàu ngụy xác định mục tiêu bao vây. 5h sáng thì tàu của ta mắc cạn, vòng vây của địch siết chặt dần. Nhận được điện cấp báo của tàu 187, đại đội phòng thủ lập tức tổ chức lực lượng chiến đấu nhằm phá vòng vây, giúp các thủy thủ 187 đưa tàu vào bờ. Địch cũng điên cuồng đánh trả và gọi tăng viện. Từng bày trực thăng, phản lực lập tức có mặt quần thảo, bắn phá. Cửa sông bị phong tỏa, cả vùng Ba Động chìm trong lửa đạn. Thuyền trưởng Phan Xã buộc phải lệnh cho anh em rời tàu và lắp kíp nổ để hủy tàu. Trên bờ anh em cũng phải điều thêm hai khẩu DKZ bắn thẳng vào tàu ta, quyết không để vũ khí rơi vào tay địch. Ba ngày sau, thủy thủ tàu 187 được dân địa phương và đơn vị bến Trà Vinh tìm kiếm, gom về căn cứ. 18 anh em thì chỉ tập hợp được 16 người… Trên bến, lực lượng của ta cũng thiệt hại nặng, bản thân ông Tộc cũng bị thương khi những ngày sau đó địch điên cuồng đánh phá vùng Ba Động và những khu vực nghi có kho tàng vũ khí của ta. Ông kể, may mà sống sát dân, được dân chở che, nếu không thì anh em 962 cũng chưa biết sẽ ra sao. Tất tần tật từ thuốc men, lương thực, quần áo, đồ dùng sinh hoạt… của bộ đội đều được bà con mua từ vùng địch tạm chiếm chuyển ra…
Các CCB Đoàn tàu không số năm xưa gặp mặt trong ngày kỷ niệm. Ảnh: Nguyệt Ánh |
Sau trận ấy cùng với "sự kiện Vũng Rô", việc vận chuyển tại các cụm bến Tây Nam bộ phải tạm ngừng. Tính ra, từ ngày 23-3-1963, khi chiếc tàu sắt đầu tiên của Đoàn 125 vận chuyển 44 tấn vũ khí vào vàm Phước Thiện cho tới cuối năm 1966, cụm bến Trà Vinh đã tiếp nhận thêm 16 chuyến hàng. Trong đó riêng bến Cồn Tàu ở ấp Cồn Trứng, xã Trường Long Hòa đã đón 10 chuyến tàu với hơn 680 tấn vũ khí. Cùng thời gian ấy, 80 con người của cụm bến Trà Vinh đã ngã xuống để bảo vệ sự an toàn cho những chuyến hàng…
Như cái duyên, từ lực lượng đặc công của quân khu rồi chuyển về cụm bến Trà Vinh năm 1964, cùng năm đó ông Tộc lấy vợ. Vợ ông cũng người ở đây, làm công tác đoàn của xã Trường Long Hòa. Những mối tình "đơm hoa kết trái" giữa bộ đội chủ lực với cán bộ địa phương như ông Tộc không hiếm trong Đoàn 962. Vợ chồng ông Tộc sinh được 6 người con, duy có đứa con trai đầu tên Lê Văn Gặp, đẻ trước hồi giải phóng (năm 1966). Ông bảo, số hắn khổ từ bé, lớn lên vẫn khổ, không được học hành tử tế nên giờ xin làm việc gì cũng khó. Năm đứa sau, ít ra đều học hết lớp 12, nay hai đứa làm ở trạm y tế các xã Dân Thành, Long Hữu; một đứa làm ở trung tâm y tế huyện, cũng ổn. Còn vợ chồng ông sống với thằng Gặp, giúp nó quản 9.000m2 ruộng muối, quần quật quanh năm đầu tắt mặt tối mà vẫn khó khăn. Giờ theo phong trào, cũng thử phá ruộng muối để nuôi tôm sú, nhưng kẹt vốn, một hécta phải đầu tư cả tỷ đồng, lấy đâu ra tiền nên chỉ làm… văn nghệ thôi. Ở nhà lúc rảnh việc, có ai thuê gì mình làm nấy... Ông kể cứ như không, còn tôi lại thấy cay cay trong mắt. Rứa mà ông vẫn nhiệt tình với những việc "vác tù và hàng tổng", kể cũng tài!
Những con người của một thời máu lửa
Một tháng rưỡi chúng tôi đã đi dọc theo chiều dài đất nước, có thể những người chúng tôi đã gặp, những chuyện chúng tôi đã biết chưa nhiều, nhưng chắc một điều qua hơn 20 bài viết đăng Báo Hànộimới chúng tôi đã phác thảo phần nào con đường huyền thoại - đường Hồ Chí Minh trên biển. Những điều chúng tôi muốn chuyển tải tới bạn đọc chỉ là một vài góc cạnh của vấn đề thông qua thân phận, hoàn cảnh cụ thể của từng con người ở các vị trí khác nhau, với các nhiệm vụ khác nhau nhưng chung một mục đích trên tuyến vận tải huyết mạch, chi viện cho chiến trường miền Nam và chung một ý chí, niềm tin son sắt vào thắng lợi cuối cùng. Thật ấn tượng với câu nói mộc mạc của ông Nguyễn Xuân Thơm - Trưởng ban liên lạc Hội truyền thống tàu "không số" khu vực TP Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận - một người đã từng chiến đấu cả ở trên bến lẫn dưới thuyền:
Bến Cồn Tàu (Trà Vinh) là một mắt xích quan trọng của đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: thiên phước |
- Không phải vì chiến tranh đã lùi xa giờ nói sao biết vậy, nhưng quả thật mình thấy giờ phút sinh tử ấy sao mà gấp gáp và bình thản. Gấp gáp vì thời gian hối thúc, bình thản vì không ai có thời giờ... nghĩ đến cái chết, dù rằng mỗi lần anh em lên đường đều được làm lễ truy điệu...
Chiến tranh đã qua đi, có người trở thành anh hùng, sống trong tâm tưởng đồng đội có người về đời thường với thương tật vĩnh viễn, có người nỗ lực vươn lên làm giàu, có người bạc đầu rồi vẫn chật vật với cơm áo... Và có bao người đã ngã xuống để đất nước có ngày hôm nay. Tròn nửa thế kỷ, đường Hồ Chí Minh trên biển đã khẳng định vai trò quan trọng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước và trở thành huyền thoại trong lịch sử quân sự. Bên bại trận và những người ở bên kia chiến tuyến cũng phải thừa nhận điều đó...
Còn quá nhiều chuyện để kể về những chiến sĩ kiên trung tham gia đường Hồ Chí Minh trên biển, cũng như còn quá nhiều điều để nói về họ trong cuộc sống đời thường. Như nhận định của Đại tá Anh hùng LLVTND Nguyễn Đắc Thắng: "Đoàn tàu không số đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh với 168 chuyến tàu cặp bến, chi viện cho chiến trường miền Nam hơn 6.000 tấn vũ khí. Tất cả những người tham gia đoàn tàu không số đều xứng đáng với hai chữ Anh hùng". Còn Đại tá Khưu Ngọc Bảy, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962 đánh giá: "Không có sự chở che đùm bọc của nhân dân thì sẽ không có điều kỳ diệu ấy!". Đong đầy trong từng bài viết chúng tôi đã phản ánh có thể thấy rõ những điều đó. May mắn của chúng tôi là đã gặp được những người trong cuộc, những nhân chứng sống, những con người bình dị để tái hiện lại phần nào những năm tháng không thể nào quên ấy.