Giải bài toán vay vốn

Kinh tế - Ngày đăng : 06:50, 22/10/2011

Theo thông kê, số vốn ngân hàng dành cho các doanh nghiệp (DN) tư nhân chỉ đáp ứng trên dưới 30% nhu cầu. Trong khi đó, cả nước có khoảng 300.000 DN tư nhân, đóng góp gần 30% GDP, tạo gần 50% việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp ở nông thôn và hơn 26% lực lượng lao động trong cả nước.


Vì thế, các DN thuộc khu vực này gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD). Những DN tư nhân thường ra đời với vốn điều lệ rất ít (bình quân thường dưới 10 tỷ đồng/DN) và hoạt động SXKD chủ yếu dựa vào vốn vay.

Lẽ ra các DN thuộc khu vực này phải là đối tượng khách hàng tiềm năng của các ngân hàng. Nhưng, trên thực tế, theo điều tra xã hội học mới nhất của VCCI, chỉ có 32,38% DN có khả năng tiếp cận được các nguồn vốn ngân hàng; 35,24% khó tiếp cận và số còn lại không tiếp cận được. Nguyên nhân của tình trạng này là do cơ chế thế chấp, tín chấp trong vay vốn của các ngân hàng; cơ chế tín dụng vẫn "bê nguyên" từ "quốc doanh" sang áp dụng với các thành phần kinh tế khác; chính sách khách hàng chưa rõ ràng; sản phẩm cả gói cho DN còn hạn chế... Mặt khác, ngân hàng cũng e ngại khi cho các DN khu vực này vay vốn, vì họ thường yếu về nhân lực, tài chính... Một nguyên nhân khác là các DN tư nhân thường xây dựng báo cáo tài chính mang tính chất đối phó với cơ quan thuế; báo cáo chính thức thường thấp hơn tình trạng thực tế, nên không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng. Đó là chưa kể tình trạng các DN tư nhân khi bán hàng thường không có hợp đồng kinh tế, không tuân thủ chế độ phát hành hóa đơn bán hàng, nên ngân hàng không có cơ sở đánh giá để cho vay...

"Chìa khóa" để giải bài toán này là các DN tư nhân cần nâng cao trình độ quản lý, kinh doanh, nhất là cần có cơ chế tài chính minh bạch; các ngân hàng cần đổi mới cách thức cho vay đối với đối tượng này. Ngân hàng và DN nên phối hợp để thực hiện từ khâu lập dự án đến giám sát thực hiện... có như vậy DN tư nhân mới được bình đẳng khi vay vốn.

Người Quản Lý