Luật An toàn thực phẩm chưa ra đến chợ
Đời sống - Ngày đăng : 06:37, 22/10/2011
Thịt tươi sống “thi gan” với nắng gió, cát bụi (ảnh chụp tại chợ Gia Lâm, Long Biên).
Dạo một vòng tại các chợ "chính thống" có quy mô lớn và tổ chức tương đối quy củ như chợ Hàng Da, Ngọc Hà, Bưởi, Hôm - Đức Viên, Gia Lâm, Châu Long... và hỏi về Luật An toàn thực phẩm, phần lớn người buôn bán rau xanh, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản đều tỏ ra ngơ ngác. Hơn 3 tháng qua, hoạt động kinh doanh của họ vẫn diễn ra bình thường, ổn định như những năm trước đây. Còn tại các chợ tạm, chợ cóc dù hàng ngày cung cấp hàng trăm tấn thực phẩm tươi sống hoặc đã chế biến cho người dân nhưng khái niệm "an toàn thực phẩm" chỉ đơn giản là không để khách hàng bị ngộ độc thực phẩm. Lý do, Luật An toàn thực phẩm mới chỉ quy định việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc trách nhiệm của ba bộ: Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương. Những bộ này có trách nhiệm quản lý, kiểm soát và cấp chứng nhận từ quy trình nuôi trồng, chế biến, gặt hái, giết mổ... thực phẩm nhưng còn khâu tiêu dùng lại không được đề cập đến. Tức là một con lợn sau khi được chứng nhận khỏe mạnh, giết mổ, cắt miếng thì vẫn được kiểm soát, quản lý nhưng nếu miếng thịt đó được bày bán tại các chợ dân sinh, nếu không được bảo quản đúng kỹ thuật mà bị biến đổi chất hoặc hư hỏng, nhiễm độc sẽ không được cơ quan nào kiểm định...
Theo tìm hiểu của chúng tôi, người tiêu dùng Hà Nội hiện nay tạm chia khái niệm "chợ" thành hai hệ thống: Siêu thị (gồm cả chuỗi cửa hàng tự chọn), là nơi bán thực phẩm đóng gói, đã chế biến và "sạch", đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn bởi có đủ điều kiện bảo quản và chịu sự quản lý, giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng. Chợ dân sinh (gồm cả chợ cóc, chợ tạm) là nơi bán các loại thực phẩm gồm cả tươi sống, đóng gói và đã chế biến. Trên thực tế, chợ dân sinh là nơi người nội trợ lựa chọn để đến mua thực phẩm hằng ngày, siêu thị thì thi thoảng hoặc đi theo định kỳ. Mặc dù rất bận rộn nhưng đa số người dân vẫn giữ thói quen đi chợ mua thực phẩm tươi sống để chế biến thức ăn hằng ngày. Những súc thịt lợn, thịt bò được "pha" thành từng miếng lớn, nhỏ xếp trên những chiếc bàn gỗ đã mủn ra vì ẩm ướt vẫn được người nội trợ ưa dùng hơn thịt đóng gói hoặc đông lạnh, có đầy đủ thông tin của nhà sản xuất và bảo quản trong nhiệt độ âm. Những chiếc lồng sắt nhốt chặt gà, vịt, ngan sống, không rõ xuất xứ, được vặt lông, giết mổ ngay trên sàn chợ hoặc tại một góc vỉa hè, cuối con ngõ nhỏ được ưu tiên chọn mua hơn gà đã được làm sạch, sơ chế bày trong ngăn lạnh của các siêu thị. Thậm chí, nhiều người còn thích mua lòng lợn luộc, chả lá lốt, thịt quay, nem rán... bày bán ngay bên lề đường bởi những thực phẩm này tiện lợi, hợp khẩu vị và có giá cả phải chăng.
Để bảo vệ sức khỏe của mình, người tiêu dùng có quyền lựa chọn nơi mua thực phẩm an toàn nhất. Tuy nhiên, theo bà Hoàng Thị Huấn (tổ 25 phường Hàng Mã, Hoàn Kiếm), người dân hiểu rằng khi một cơ sở chế biến, bán thực phẩm dù lớn hay nhỏ kinh doanh trên địa bàn thì cơ quan chức năng phải biết và quản lý. Người tiêu dùng chỉ lựa chọn hàng hóa theo nhu cầu, chứ không thể thẩm định về độ an toàn. Được biết, hiện nay Luật An toàn thực phẩm còn thiếu văn bản hướng dẫn. Dự thảo thứ 14 Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm của Chính phủ cũng chưa chú trọng đến khâu cung cấp trực tiếp thực phẩm. Bởi vậy, người tiêu dùng đòi hỏi Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn thực hiện có quy định cụ thể hơn nữa. Ví dụ các địa phương phải quy hoạch các điểm cung cấp thực phẩm như chợ đầu mối, chợ dân sinh phải có bàn để thực phẩm, có cống thoát nước, thông thoáng, bảo đảm vệ sinh, thực phẩm tươi sống phải được bảo quản lạnh... Nếu người tiêu dùng mua và sử dụng thực phẩm tại những địa điểm không đạt chuẩn cung cấp mà gặp rủi ro sẽ không được bảo vệ quyền lợi. Ngược lại, các cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt chẽ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ. Khi phát hiện chợ hoặc cơ sở nào không đủ tiêu chuẩn, các cơ quan này có trách nhiệm đề nghị chính quyền địa phương xóa bỏ điểm cung cấp đó. Địa phương nào để tồn tại chợ tạm, chợ cóc cung cấp thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Có như vậy, quyền lợi người tiêu dùng mới được bảo vệ đầy đủ bởi Luật An toàn thực phẩm.