“Phạm” vào quyền của người tiêu dùng
Đời sống - Ngày đăng : 06:10, 22/10/2011
Trong đó yêu cầu tất cả các tổ chức tín dụng (trừ Ngân hàng Chính sách) nhận tiền gửi Việt Nam đồng (VNĐ) của dân, phải tham gia bảo hiểm toàn bộ tiền gửi nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, góp phần duy trì ổn định tín dụng. Tùy theo uy tín, chất lượng hoạt động của từng ngân hàng, Nhà nước sẽ "đánh" phí bảo hiểm cho phù hợp.
Điều này cũng có nghĩa, nếu luật này được thông qua, người dân gửi ngoại tệ, vàng, đô la tại ngân hàng sẽ có khả năng rủi ro cao hơn, do không bảo hiểm tiền gửi. Theo quan điểm của Ngân hàng Nhà nước, thực hiện điều này sẽ chống được tình trạng đô la hóa đang tồn tại hiện nay, làm cho đồng nội tệ có giá trên thị trường.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, làm như vậy liệu có bảo đảm sự bình đẳng giữa các đối tượng gửi tiền và phù hợp với tình hình thực tế? Hiện nay Việt Nam có khoảng hơn 3 triệu người đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, chủ yếu tập trung ở một số nước phát triển có thu nhập bình quân đầu người cao như Mỹ khoảng 1,5 triệu người, Pháp khoảng 350.000 người, Canada khoảng 200.000 người, Australia khoảng 250.000 người. Số còn lại ở rải rác khắp các nước khác trên thế giới. Khi những người đang sống và lao động ở nước ngoài chuyển tiền về cho người thân, giải pháp bất khả kháng là gửi ngoại tệ qua cơ quan trung chuyển chính là ngân hàng.
Trung bình, một người Việt Nam ở nước ngoài gửi về nước khoảng 1.000 USD một năm. Những dòng vốn này thật sự đã có tác động to lớn đối với các cá nhân nhận tiền nói riêng cũng như sự phát triển của đất nước nói chung. Thể hiện rõ nhất qua việc góp phần bù đắp thâm hụt cán cân thương mại, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của một bộ phận người dân nhận kiều hối.
Nay, nếu không được bảo hiểm sẽ vừa khó huy động tài sản trong dân, vừa không bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền. Mặt khác, còn có thể dẫn đến tình trạng người dân đổ xô tới ngân hàng rút lượng ngoại tệ đã gửi bấy lâu nay, gây ra khủng hoảng.
Nói như vậy không có nghĩa là "vô cảm" với việc chống tình trạng đô la hóa mà Quốc hội, Chính phủ đang quyết tâm thực hiện. Cần hiểu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có nhiều, nhưng căn bản do nền kinh tế còn bị nhập siêu, cũng như tâm lý của người dân, niềm tin vào đồng nội tệ thấp. Để hóa giải hiện tượng này, cần áp dụng các biện pháp kinh tế, hành chính đồng bộ chứ không thể dùng một giải pháp duy nhất, lại khá cứng nhắc như đề xuất của Ngân hàng Nhà nước.
Trước mắt, cần có chính sách tỷ giá hợp lý để người dân sẵn sàng bán USD cho ngân hàng, còn doanh nghiệp cũng không có lý do để găm giữ USD. Khi đó, dự trữ ngoại tệ tăng lên đồng nghĩa với việc tiền đồng sẽ dần được tín nhiệm hơn, người dân càng không có lý do để giữ ngoại tệ trong nhà. Bên cạnh đó, cần có biện pháp giảm chức năng thanh toán của đồng ngoại tệ trong các hoạt động như mua bán bất động sản, mua ô tô, xe máy, trả tiền nhà hàng, khách sạn....
Nên chăng, Ngân hàng Nhà nước can thiệp bằng cách quy định khi rút tiền USD, Euro gửi tại ngân hàng để sử dụng tại Việt Nam phải đổi ra đồng tiền Việt Nam để lưu thông. Có như vậy mới tránh "phạm" vào quyền của người gửi tiền, góp phần chống tình trạng đô la hóa đang tồn tại hiện nay.