Ông Gaddafi có thể bị chôn như bin Laden

Thế giới - Ngày đăng : 18:04, 21/10/2011

Nhà lãnh đạo bị lật đổ của Libya sẽ được chôn cất tại một địa điểm bí mật trong ngày hôm nay, 21-10, theo nghi thức Hồi giáo. Trong khi đó, lãnh đạo NATO chuẩn bị họp bàn để hạ màn chiến dịch không kích tại nước này.

Sau khi bị bắt và giết chết ở Sirte ngày 20-10, thi thể bê bết máu và bị lột trần của ông Gaddafi đã được chuyển đến Misrata, thành phố mang tính biểu tượng của cuộc nổi dậy nằm ở phía tây Sirte.

Thi thể ông Gaddafi được chuyển về Misrata. Ảnh: AFP


Lên kế hoạch chôn cất bí mật

Theo ông Hisham Imbirika, giám đốc một nhà tù tại Misrata, thi thể ông Gaddafi được đặt trong một nhà kho cách trung tâm Misrata 12km.

Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp Libya (NTC) cho biết thời điểm chôn cất sẽ diễn ra trong ngày 21-10 do đạo Hồi quy định việc chôn cất phải được thực hiện trong vòng 24 giờ sau khi chết.

Riêng việc giữ bí mật địa điểm là do NTC không muốn mộ ông Gaddafi trở thành nơi hành hương cho những người trung thành với ông.

“Ông ta chẳng đáng có một ngôi mộ nào ở Libya. Chẳng thà chôn ông ta ngoài biển, cùng với Osama bin Laden” - ông Mohamed Benrasali, một quan chức của NTC, nói.

Ống cống nơi ông Gaddafi trốn và van nài lúc bị bắt: "Đừng bắn, đừng bắn". Ảnh: Reuters

Trong khi đó, NATO dự kiến sẽ tuyên bố kết thúc chiến dịch không kích Libya trong vài giờ tới. Trao đổi với phóng viên, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy khẳng định cái chết của ông Gaddafi đồng nghĩa với việc chiến dịch can thiệp quân sự đi đến hồi kết.

Dấu chấm hết không trọn vẹn

Trả lời phỏng vấn tuần báo Pháp Le Nouvel Observateur ngày 20-10, Giám đốc Viện quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS) kiêm chuyên gia địa chính trị tại Đại học Paris VIII – ông Pascal Boniface - cho rằng cái chết của ông Gaddafi đặt dấu chấm hết cho cuộc nội chiến ở Libya và đưa NTC lên cầm quyền.

Song về cơ bản, toàn bộ những vấn đề nảy sinh do cuộc can thiệp quân sự của NATO Libya "vẫn không được giải quyết", như tính thống nhất của NTC, tương lai của thể chế này, mối quan hệ giữa NTC với tiến trình chuyển tiếp dân chủ… Do đó, vừa có hy vọng lẫn hoài nghi trước và sau cái chết của ông Gaddafi.

Theo giáo sư Boniface, ông Gaddafi chính là chất keo kết dính các lực lượng khác nhau trong NTC. Nay chất keo đã tan thì vấn đề đặt ra là tương lai chính trị của Libya liệu có thực sự thay đổi hay không.

Ăn mừng cái chết của ông Gaddafi trên đường phố Tripoli.

Cái chết của ông Gaddafi vừa là thuận lợi vừa là trở ngại đối với NTC. Thuận lợi vì sẽ tránh được một phiên tòa công khai mà phe này e ngại sẽ bị ông Gaddafi dùng làm diễn đàn để lên án NTC và phương Tây.

Trở ngại vì cái chết đồng thời cũng bất tử hóa ông Gaddafi, dù chỉ đối với một phần nhỏ dân chúng Libya. Đó cũng là cách đặt vấn đề tương tự như cái chết của Osama Bin Laden.

Giữa hai khó khăn này thì cái chết đã được lựa chọn vì có lợi hơn dù không hoàn toàn rũ bỏ được nhiều rắc rối kèm theo.

Ân xá quốc tế kêu gọi điều tra cái chết của Gaddafi


Tổ chức Ân xá quốc tế đã kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về cái chết của Đại tá Muammar Gaddafi. Theo tổ chức nhân quyền này, nhà cựu lãnh đạo Libya đã bị giết chết không qua xét xử dù trước đó NTC tuyên bố sẽ có một phiên tòa.

Sau cái chết của ông Gaddafi, NTC khẳng định đây là một biến cố tự phát, ông Gaddafi chết vì đạn lạc chứ NTC hoàn toàn không ra lệnh hạ sát.

Theo Báo NLĐ