Chơi bóng bay như nghịch dao sắc
Xã hội - Ngày đăng : 10:36, 21/10/2011
Mủ cao su + Chất phụ gia công nghiệp = Bong bóng
Theo KS Vũ Tân Cảnh, phòng Nghiên cứu Vật liệu Polyme - Compozit, Viện Khoa học Vật liệu (Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam), nguyên liệu chính làm bóng bay được làm từ mủ cao su chích từ cây cao su cùng các hóa chất là lưu huỳnh, chất xúc tiến, bột màu, bột tan. Trong đó, chất lưu huỳnh được sử dụng nhằm mục đích lưu hóa mủ cao su giúp dẻo, dai, không bị dính. Chất xúc tiến giúp mủ cao su khi nấu lên được nhanh khô. Chất quặng bột tan thường có màu trắng được dùng để phết lên bóng bay sau khi hoàn thành để bóng bay không bị dính, dễ tách ra khi thổi. Còn phẩm màu nhằm tăng các màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng. Các chất màu này đều sử dụng bột màu công nghiệp và chứa các chất kim loại độc hại như màu đỏ có chất chì, màu xanh và vàng có chất crom...
Để đảm bảo an toàn nên cấm trẻ chơi bóng bay.
Hầu hết các loại bóng bay hiện nay đều sử dụng công thức trên nên rất độc cho trẻ nhỏ khi thổi, ngậm hay cầm tay. Bởi các chất như lưu huỳnh, chất xúc tiến, bột màu đều là hóa chất công nghiệp. Các chất này khi còn dư sẽ rất độc hại đối với sức khoẻ trẻ nhỏ. Hệ lụy nặng nhất các chất này để lại là gây ra ung thư cho trẻ. "Chất này dễ dàng dây ra khi trẻ ngậm, thổi. Điều này dễ nhận thấy như khi trẻ cầm, thổi sẽ có màu trên tay, miệng. Chất bột có mùi hôi, hắc...", KS Vũ Tân Cảnh khuyến cáo.
Nên cấm trẻ chơi bóng bay
Không những thế, các chuyên gia cũng khẳng định, nguồn gốc bóng bay vào nước ta hiện nay chủ yếu từ hai nguồn chính là nhập từ Trung Quốc và tự sản xuất. Cách sản xuất chủ yếu là tự phát và chưa có quy trình kiểm soát chặt chẽ. Để làm bóng bay không khó. Người ta có thể đặt khuôn bằng sứ với các hình dáng khác nhau như tròn, dài, tim, thỏ. Mủ cao su trộn các chất phụ gia, sau đó nhúng khuôn vào mủ, đưa lên sấy với nhiệt độ nhẹ khoảng 40 - 500C. Tiếp đến cho chất chống dính, chờ khô và lột ra khỏi khuôn. "Chính cách làm dễ dàng, làm tự phát và mong muốn lợi nhuận cao nên hầu hết bóng bay đều được làm một cách gian dối nên càng độc", KS Vũ Tân Cảnh nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cũng cho rằng, bóng bay độc nhiều ở chất liệu và phẩm màu. Vì các bậc phụ huynh chưa biết nên "ấu trĩ" cho trẻ thổi bóng, chơi bóng nên khả năng nhiễm độc càng cao. Mặt khác, bóng bay cũng có nguy cơ làm trẻ hóc, nuốt phải khi thổi. Tuy nhiên, đây là hóc cơ học nên dù có bóng bay hay hạt nhãn... cũng vẫn khiến trẻ nguy hiểm.
"Bóng bay như con dao sắc, các bậc bố mẹ cần tránh cho trẻ ngậm, thổi hay cầm nắm trực tiếp. Việc cầm trực tiếp cũng khiến chất màu thôi ra tay, rồi trẻ lại ngậm, mút tay gây độc", PGS.TS Trần Hồng Côn khuyến cáo.
KS Vũ Tân Cảnh cho rằng, vì chưa kiểm soát được chất lượng nên nhân dịp các nước EU cấm trẻ con chơi bóng bay thì Việt Nam cũng nên cấm. Chỉ nên sử dụng ở lĩnh vực trang trí, thả bay...
Liên minh châu Âu vừa ra hướng dẫn, trẻ em dưới 8 tuổi không được thổi bóng bay nếu không có sự giám sát của người lớn. Thậm chí, trẻ dưới 14 tuổi cũng không được thổi các loại bóng bay thổi có còi. Bởi để tránh trường hợp vô tình nuốt chửng và bị sặc hay chứa các chất độc hại.