Hạt nhân kinh tế ở nông thôn
Xã hội - Ngày đăng : 06:48, 21/10/2011
HTX thúc đẩy xây dựng NTM
Hà Nội hiện có 1.617 HTX, chiếm gần 10% tổng số HTX của cả nước, hoạt động đa dạng ở nhiều lĩnh vực nông nghiệp, tín dụng CN-TTCN, thương mại, dịch vụ… Các HTX đã phát huy được vai trò của mình trong tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ KHKT, nâng cao hiệu quả sản xuất và đặc biệt là đã thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân. Ðiển hình như HTX Mai Ðình (huyện Sóc Sơn), HTX Tây Tựu (huyện Từ Liêm), HTX Song Phượng (huyện Ðan Phượng), HTX Hoa cây cảnh Thụy Hương (huyện Chương Mỹ), HTX Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Đại Áng (huyện Thanh Trì)… Những HTX đó bước đầu đã thể hiện vai trò là "bà đỡ" cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn phát triển. HTX số 1 Tây Tựu, huỵện Từ Liêm đã mạnh dạn đầu tư đưa các giống hoa mới có giá trị cao đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và đem lại thu nhập cao cho gần 600 hộ xã viên, tạo việc làm ổn định cho 2.030 lao động… HTX DVNN Đại Áng không chỉ làm tốt các khâu dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn làm tốt các dịch vụ bảo vệ môi trường, điện, nước sạch, kinh doanh chợ, góp phần tạo diện mạo mới cho nông thôn...
Tổ thêu của HTX DVNN Dương Liễu, Hoài Đức giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho xã viên. Ảnh: Bạch Thanh
Con đường vẫn còn nhiều gian nan
Mặc dù vai trò của HTX trong xây dựng NTM đã được khẳng định, tuy nhiên thực tế con đường phát triển của kinh tế tập thể mà nòng cốt là kinh tế HTX còn gặp không ít khó khăn. Hầu hết các HTX đều không có trụ sở, nhà xưởng sản xuất ổn định, không có đất thuê lâu dài. Mặt khác, đa phần các HTX đều rất khó khăn về vốn, chưa tiếp cận được với các tổ chức tín dụng, thiếu thông tin tư vấn về chính sách tín dụng. Tìm hiểu quy mô và hoạt động của kinh tế HTX trên lĩnh vực nông nghiệp ở Hà Nội, đặc biệt ở những xã điểm xây dựng NTM, cụ thể trong 19 xã xây dựng NTM thì có rất nhiều HTX chưa có trụ sở làm việc, chưa có các trang thiết bị phục vụ kinh doanh. Bên cạnh đó, trình độ của đội ngũ cán bộ, nhân viên HTX vẫn chưa đáp ứng hoạt động kinh doanh trong điều kiện kinh tế hội nhập.
Để kinh tế HTX phát triển, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trước tiên cần phải đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để mọi người dân nhận thức đúng vai trò, nội dung và mục tiêu của hoạt động HTX trong quá trình thực hiện mục tiêu xây dựng NTM. Phải làm cho mọi người nhận thức rõ được quyền lợi, nghĩa vụ và tự nguyện tham gia vào HTX. Theo ông Ngô Đại Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn: "Trong giai đoạn đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM hiện nay, vị trí và vai trò của kinh tế HTX được đặt ra một cách quan trọng hơn bao giờ hết". Do đó, các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ TP đến cơ sở, trong khi tập trung nỗ lực để xây dựng NTM, cần nhận thức một cách đúng đắn về vị trí và vai trò của HTX. Từ đó, dành sự quan tâm, đầu tư về mọi mặt để xây dựng NTM. Để đạt mục tiêu trên, Liên minh HTX TP Hà Nội đưa ra các giải pháp như đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ 175 HTX và các DN thành viên nâng cao kiến thức về tổ chức quản lý, vay vốn tín dụng, xúc tiến thương mại; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nghề cho xã viên, người lao động trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX…
Liên minh HTX Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 sẽ củng cố, xây dựng các HTX hoạt động có hiệu quả tại các xã xây dựng NTM theo kế hoạch và chỉ đạo của TP; đưa sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của các HTX tăng từ 5-7%. Doanh số hoạt động các HTX thương mại, dịch vụ tăng từ 15-20%. Các quỹ tín dụng nhân dân phấn đấu mức tăng trưởng bình quân về vốn và cho vay từ 10-15% trở lên; có 50% số cán bộ chủ chốt HTX được đào tạo, 40% đạt trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ cao đẳng trở lên và 100% cán bộ chủ chốt được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về HTX và pháp luật liên quan…