Bàn... loạn

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:29, 21/10/2011

(HNM) - Những năm qua, không khí tranh luận cởi mở, thẳng thắn của dư luận về các vấn đề xã hội đã mang đến luồng sinh khí mới cho đời sống.


Không chỉ những vấn đề lớn mang tầm chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhận được sự đóng góp nhiệt thành, trí tuệ của nhiều nhân sĩ, trí thức, các nhà khoa học cùng đông đảo nhân dân; mà những đề tài mang đậm tính chuyên ngành nhưng có tầm ảnh hưởng xã hội rộng lớn, cũng nhận được sự quan tâm, góp ý, phản biện của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân. Cũng có lẽ vì thế, báo chí - kênh thông tin quan trọng và hiệu quả nhất trong lĩnh vực thông tin có thêm điều kiện để mở các loại diễn đàn giúp người dân có cơ hội bày tỏ quan điểm, chính kiến, góp một phần trí tuệ của mình cho sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, nhiều chuyện đã và đang xảy ra và có thể sẽ tiếp diễn, đôi khi đã tác động không nhỏ đến nhiều lĩnh vực của đời sống; khi mà các "tư lệnh" của những lĩnh vực này vừa biết cách tô hồng sự việc, lại cũng biết cả kiểu "mũ ni che tai" để cứ ý mình mà làm, nhiệm kỳ còn được mấy năm?

Xin bắt đầu bằng câu chuyện làm giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn.

Không phải đến hôm nay vấn đề giải quyết giao thông đô thị mới được đem ra bàn thảo. Đã có rất nhiều ý kiến đóng góp cho quy hoạch tổng thể mạng lưới giao thông đô thị gắn liền với quy hoạch phát triển đô thị từ những năm 80-90 của thế kỷ XX mang tầm nhìn sang những năm đầu của thế kỷ này. Nhưng xem ra, hình như ngành nào, cấp nào cũng có quy hoạch phát triển của mình, nên các khu nhà ở cao cấp vẫn đua nhau mọc lên nơi trung tâm thành phố; các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy cũng phát triển với tốc độ không tưởng. Ngay cả chiến lược phát triển các phương tiện vận tải công cộng và hạn chế phương tiện giao thông cá nhân vốn đã được đưa ra cả hàng chục năm trước, nhưng cũng đã vấp phải đủ thứ "lý luận" để đến hôm nay tình trạng tham gia giao thông như một bức tranh không mảng, miếng, không bố cục với gam màu xạm tối.

Gần đây, khi vị tân Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề xuất một số phương án làm giảm ùn tắc giao thông; qua những ý kiến trao đi đổi lại mới thấy bộc lộ rõ hơn cái ý thức cộng đồng của từng công dân khi tham gia giao thông.

Rõ ràng, các ý kiến tranh luận nhiều chiều là cần thiết; và, trong nhiều trường hợp, đôi khi các ý kiến ấy lại mở ra một trang mới cho quá trình vận động và phát triển.

Chỉ có điều, không phải nhà hoạch định chính sách nào cũng dễ dàng vượt qua tư duy nhóm lợi ích, khi mà chính những người tham gia bàn luận không rõ do hạn chế về kiến thức chuyên ngành, về nhận thức thực tiễn của sự vận động, hay do bị chi phối bởi các "lý thuyết cứng", đã lại làm cho quá trình vận động đi chệch quy luật phát triển của một xã hội có tổ chức.

Câu chuyện thứ hai cũng liên quan đến vấn đề giao thông. Ấy là chuyện phân làn trên các tuyến đường nội đô Hà Nội.

Có lẽ, nhiều năm qua, người tham gia giao thông luôn có quyền "tự chủ" trong mọi trường hợp, nên khi bị ép vào thực hiện theo luật, tâm lý bất tuân mệnh lệnh lập tức tạo nên sự phản kháng. Giao thông lộn xộn bấy lâu đã thành thói quen, lại thêm sự "xử lý hợp tình", đến mức quá "nhẹ tay" của lực lượng giữ gìn trật tự an toàn giao thông, nên thói quen ấy càng có điều kiện thuận lợi để tồn tại. Thậm chí, sự chấp nhận các thói quen hành xử ấy còn là nguyên nhân tạo nên sự tha hóa của những người thực thi nhiệm vụ này.

Những ý kiến bàn thảo về chuyện phân làn đã nêu được các lý do thực tế về hạ tầng giao thông đô thị, về mật độ phương tiện tham gia giao thông đang là thách thức không nhỏ với các nhà hoạch định chính sách.

Có điều, một thực tế đang tồn tại và gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện công việc này, đó là việc quản lý, sử dụng lề đường mà vị tân Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng vừa nêu ra, lại nhận được sự giải thích kiểu "biết rồi, khổ lắm nói mãi"; để vỉa hè có khi lại vẫn chỉ làm chỗ... đỗ ô tô, gửi xe máy, bán hàng quà.

Bàn luận nếu đạt đến tầm khoa học và xác đáng, ấy là những đóng góp tích cực cho xã hội. Và nếu lại nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của các nhà quản lý ở mọi lĩnh vực, chắc chắn sẽ tạo nên bước đột phá của quá trình phát triển.

Nhưng, bàn luận nếu chỉ luôn lấy lợi ích cái tôi làm đầu, đôi khi sẽ trở thành bàn... loạn.

Nguyễn Hòa Bình